Luật Hôn nhân và gia đình 1959

Số hiệu 2/SL
Ngày ban hành 29/12/1959
Ngày có hiệu lực 13/01/1960
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Xuân Thuỷ
Lĩnh vực Quyền dân sự

LUẬT

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1

Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hoà thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ.

Điều 2

Xoá bỏ những tàn tích còn lại của chế độ hôn nhân phong kiến cưỡng ép, trọng nam khinh nữ, coi rẻ quyền lợi của con cái.

Điều 3

Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ.

Chương 2:

KẾT HÔN

Điều 4

Con trai và con gái đến tuổi, được hoàn toàn tự nguyện quyết định việc kết hôn của mình; không bên nào được ép buộc bên nào, không một ai được cưỡng ép hoặc cản trở.

Điều 5

Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.

Điều 6

Con gái từ 18 tuổi trở lên, con trai từ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn.

Điều 7

Việc để tang không cản trở việc kết hôn.

Điều 8

Đàn bà goá có quyền tái giá; khi tái giá, quyền lợi của người đàn bà goá về con cái và tài sản được bảo đảm.

Điều 9

Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa cha mẹ nuôi và con nuôi.

Cấm kết hôn giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Đối với những người khác có họ trong phạm vi năm đời hoặc có quan hệ thích thuộc về trực hệ, thì việc kết hôn sẽ giải quyết theo phong tục tập quán.

Điều 10

Những người sau đây không được kết hôn: bất lực hoàn toàn về sinh lý; mắc một trong các bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc, mà chưa chữa khỏi.

Điều 11

Việc kết hôn phải được Uỷ ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc bên người con gái công nhận và ghi vào sổ kết hôn.

Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị về mặt pháp luật.

[...]