Kế hoạch 100/KH-UBND về công tác cải cách hành chính năm 2013 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 100/KH-UBND
Ngày ban hành 27/11/2012
Ngày có hiệu lực 27/11/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thanh Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 27 tháng 11 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2013

Tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ; nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác CCHC trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đề ra Kế hoạch thực hiện công tác CCHC năm 2013, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có đủ năng lực, trình độ và chuyên nghiệp nhằm phục vụ cho sự phát triển của thành phố; đến cuối năm 2013, trên 60% công chức của thành phố được đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm;

2. Thủ tục hành chính (TTHC) được cải cách theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp; 100% TTHC được cập nhật, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố;

3. Tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ của sở, ban ngành thành phố, đồng thời, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy bên trong của sở, ban ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước;

4. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính, đặc biệt là mô hình ứng dụng CNTT tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cấp xã và các sở. Phấn đấu đến cuối năm 2013, 100% đơn vị cấp xã hoàn thành Đề án Ứng dụng CNTT cấp xã; có ít nhất 04 sở thực hiện mô hình ứng dụng CNTT tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và có từ 5 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 trở lên;

5. Tổ chức kiểm tra CCHC tối thiểu 60% sở, ban ngành, 100% UBND cấp huyện, 30% UBND cấp xã. Nâng cao hơn nữa công tác tự kiểm tra CCHC tại sở, ban ngành và UBND cấp huyện, cấp xã nhằm chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật và kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước.

II. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CCHC NĂM 2013

1. Cải cách thể chế:

a) Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố đã ban hành để bổ sung, sửa đổi kịp thời đúng theo quy định của pháp luật; đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình xây dựng thể chế; phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của nhân dân để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật;

b) Rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND cấp huyện cho phù hợp với yêu cầu; sửa đổi, thay thế kịp thời khi có bổ sung, thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân công, phân cấp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực giữa các cấp chính quyền tại địa phương; trước mắt, hoàn thiện quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức, bộ máy và biên chế…

2. Cải cách thủ tục hành chính:

a) Tiếp tục rà soát quy định, TTHC nhằm kịp thời để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ quy định, TTHC không cần thiết, không phù hợp nhằm cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính của người dân và doanh nghiệp; tập trung vào một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà, phức tạp như: Đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm...; công khai, minh bạch tất cả TTHC bằng các hình thức thiết thực và thích hợp nhất;

b) Tổ chức thực hiện nghiêm các TTHC đã được công bố; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới TTHC, nâng cao chất lượng quy định TTHC theo hướng ban hành các quy định, TTHC phải đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện; kịp thời công bố công khai TTHC khi có điều chỉnh, bổ sung;

c) Đảm bảo thực hiện tốt Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ về việc kiểm soát TTHC và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về kiểm soát TTHC.

3. Cải cách tổ chức bộ máy:

a) Tổ chức rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lặp. Đồng thời, rà soát sắp xếp lại phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở, ban ngành thành phố theo hướng tinh gọn;

b) Tiếp tục phân cấp và ủy quyền mạnh hơn cho sở, ban ngành và quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy; từng bước hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa các cấp chính quyền của thành phố, nâng cao vai trò, tinh thần, trách nhiệm và năng lực của từng cấp, từng ngành;

c) Tập trung tổ chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, nhằm giảm thời gian giải quyết, giảm cường độ lao động của CBCCVC và tạo môi trường thân thiện với công dân khi đến giao dịch tại cơ quan hành chính nhà nước.

4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC:

a) Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước xây dựng đội ngũ CBCCVC có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ; tiến tới xây dựng cơ cấu công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị;

b) Triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh chế độ công vụ, công chức; tuyển dụng công chức theo nguyên tắc cạnh tranh, đảm bảo việc bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của người trúng tuyển;

c) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị cho CBCCVC, bảo đảm việc bồi dưỡng phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc, xử lý tình huống, nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định;

d) Thực hiện nghiêm Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế ứng xử của CBCCVC trong bộ máy chính quyền địa phương; Chỉ thị 01/2012/CT-UBND ngày 05/01/2012 của UBND thành phố về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của CBCCVC; từng cơ quan đảm bảo không có CBCCVC bị phản ánh về tinh thần, thái độ phục vụ; Chỉ thị 02/2009/CT-UBND ngày 05/02/2009 của UBND thành phố về việc chấn chỉnh một số hoạt động trong thực hiện TTHC;

đ) Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm chấn chỉnh một cách mạnh mẽ về kỷ luật và kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước; kịp thời tuyên dương, khen thưởng CBCCVC có tinh thần tận tụy phục vụ, đồng thời, xử lý nghiêm đối với CBCCVC sai phạm và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những CBCCVC thoái hóa, biến chất. Mỗi đơn vị, địa phương phải tiến hành kiểm tra về CCHC ít nhất 50% số cơ quan, đơn vị trực thuộc ;

e) Tiếp tục đổi mới phương pháp lấy ý kiến người dân về sự phục vụ của cơ quan nhà nước và dịch vụ công về y tế, giáo dục.

[...]