Kế hoạch hợp tác số 128/2004/LPQT về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Hung-ga-ri

Số hiệu 128/2004/LPQT
Ngày ban hành 16/12/2004
Ngày có hiệu lực 25/10/2004
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Trần Văn Nhung
Lĩnh vực Giáo dục

KẾ HOẠCH

HỢP TÁC GIÁO DỤC GIỮA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ GIÁO DỤC CỘNG HÒA HUNG-GA-RI TRONG NĂM HỌC 2004-2005 VÀ 2005 - 2006

Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục Cộng hòa Hung-ga-ri, dưới đây gọi tắt là "hai Bên",

Phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định hợp tác Văn hóa, Giáo dục và Khoa học giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hung-ga-ri ký ngày 11 tháng 02 năm 1995,

Với mong muốn phát triển sự hợp tác vốn có trên lĩnh vực giáo dục, nhằm củng cố các mối quan hệ giữa hai nước, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết hơn nữa giữa hai dân tộc,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Hai Bên ủng hộ sự hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học và cao đẳng của hai nước, các công trình nghiên cứu chung, trao đổi thông tin và tài liệu, sinh viên và cán bộ giảng dạy.

Điều 2. Hai Bên đặc biệt ủng hộ việc tìm hiểu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học, lịch sử và văn hóa của hai nước.

Để thực hiện mục đích này, hai Bên sẽ xem xét khả năng bố trí nơi làm việc cho các cán bộ giảng dạy tại các trường đại học do hai Bên quy định.

Điều 3. Phía Hung-ga-ri ủng hộ việc bố trí một giáo viên dạy tiếng Hung sang Việt Nam 6 tháng trong thời gian có hiệu lực của Kế hoạch này để bồi dưỡng cho các giáo viên dạy tiếng Hung ở Việt Nam. Chi phí ăn, ở cho giáo viên này ở Việt Nam do phía Việt Nam đài thọ.

Điều 4. Hai Bên đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu về Việt Nam tại Khoa Đông Á thuộc Trường Đại học Tổng hợp Uết-vuết Lô-ran-đơ Bu-đa-pest và về Hung-ga-ri tại tổ bộ môn tiếng Hung của Trường Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội.

Hai Bên hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam học và Hung-ga-ri học bằng việc cung cấp sách, tạp chí và tài liệu giảng dạy.

Điều 5. Hàng năm, phía Hung-ga-ri nhận 5 sinh viên học bổng đào tạo đại học toàn khóa, trong đó 2 sinh viên do phía Hung-ga-ri và 3 sinh viên do phía Việt Nam cấp học bổng. Các sinh viên Việt Nam sang đào tạo toàn khóa này, trước khi vào học đại học sẽ học một khóa dự bị một năm học tại Viện Ba-las-si Ba-lint.

Điều 6. Từ năm học 2004/2005, phía Hung-ga-ri nhận thêm 2 sinh viên học bổng đào tạo toàn khóa chuyên ngành Kinh tế (Quan hệ Quốc tế), Ngữ văn hoặc Luật. Trước khi vào học đại học các sinh viên này sẽ học một khóa dự bị một năm học tại Viện Ba-las-si Ba-lint (kinh phí do Vụ Hợp tác phát triển quốc tế Bộ Ngoại giao cấp).

Điều 7. Hàng năm, phía Hung-ga-ri đảm bảo học bổng cho tối đa là 3 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại các trường đại học của Hung-ga-ri để đào tạo tiến sỹ (Ph.D.). Các điều kiện nhập học trong chương trình này do trường đại học tiếp nhận quy định.

Điều 8. Phía Hung-ga-ri khuyến khích và ủng hộ việc đào tạo đại học toàn khóa cho sinh viên Việt Nam tại các trường đại học, cao đẳng Hung-ga-ri theo con đường tự túc.

Từ mục đích này, Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia Bu-đa-pest đảm nhận việc hàng năm cấp học bổng trong 2 năm cho 1 ứng cử viên đã tốt nghiệp đại học dự khóa đào tạo cơ bản để lấy bằng thạc sỹ trong khuôn khổ chương trình đào tạo thạc sỹ Quản trị kinh doanh ("Business Administration"), hoặc Kinh tế ("Economics") bằng tiếng Anh của Trung tâm Đào tạo Quốc tế. Về các điều kiện cấp học bổng do quy chế của trường đại học quy định.

Điều 9. Hàng năm, phía Việt Nam nhận 2 sinh viên Hung-ga-ri sang đào tạo về ngôn ngữ (tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam) trong thời gian 10 tháng.

Điều 10. Phía Hung-ga-ri rất quan tâm đến việc bồi dưỡng chuyên môn cho các chuyên gia Việt Nam trước đây đã tốt nghiệp tại các trường đại học của Hung-ga-ri. Theo đó, hàng năm sẽ tiếp nhận 2 thực tập sinh để nâng cao trình độ, thời gian đối với mỗi người là 6 tháng.

Điều 11. Hàng năm, phía Việt Nam đảm bảo học bổng cho 2 thực tập sinh Hung-ga-ri để nâng cao trình độ, thời gian đối với mỗi người là 6 tháng. Những thực tập sinh này phải biết tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Điều 12. Hai Bên khuyến khích việc cử các đoàn chuyên gia tham dự và trao đổi chuyên môn tại các hội nghị liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Điều 13. Trong thời gian có hiệu lực của Kế hoạch này, phía Việt Nam sẽ tổ chức và mời đại diện của Bộ Giáo dục của các trường đại học Hung-ga-ri có liên quan đến hợp tác giữa hai Bên dự hội thảo về "Hình thức và nội dung hợp tác giáo dục giữa hai nước".

Bên cử chịu kinh phí đi, về. Bên nhận chịu kinh phí ăn, ở cho đoàn từ 8 đến 10 người. Các chuyên gia khác cũng có thể tham dự hội thảo bằng kinh phí tự túc.

Điều 14. Phía Việt Nam sẽ hỗ trợ để chậm nhất là đến ngày tổ chức hội thảo nói tại điều 13, thành lập được Câu lạc bộ những người đã tốt nghiệp ở Hung-ga-ri trong khuôn khổ Hội Hữu nghị Việt Nam – Hung-ga-ri.

Điều 15. Hai Bên ủng hộ sự hợp tác trực tiếp giữa Hội Hữu nghị Việt Nam – Hung-ga-ri đang hoạt động tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Hung-ga-ri – Việt Nam đang hoạt động tại Hung-ga-ri.

III. CÁC ĐIỀU KHOẢN KHÁC

Điều 16. Phụ lục A bao gồm các điều khoản chung và tài chính. Phụ lục B tổng hợp các điều khoản về dự tuyển, học tập và tài chính của các sinh viên học bổng đã được tiếp nhận trên cơ sở Điều 5 đến Điều 7, cũng như Phụ lục C bao gồm các điều khoản về dự tuyển của sinh viên được tiếp nhận trên cơ sở Điều 8 là những bộ phận hữu cơ, không thể tách rời của Kế hoạch hợp tác này.

Điều 17. Hai Bên tiếp nhận con của những đại diện nhà nước được cử sang công tác dài hạn vào học tại các cơ sở giáo dục theo điều kiện trả học phí như đối với các công dân nước mình. Trong trường hợp tiếp tục học đại học sau khi bố mẹ hết nhiệm kỳ công tác, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan hữu quan của Bên gửi, Bên nhận sẽ đảm bảo học bổng để hoàn thành việc học tập tính vào chỉ tiêu học bổng hàng năm đã nêu trong Điều 5.

Điều 18. Các trường hợp khác với những điều ghi trong Kế hoạch này, cũng như khi nảy sinh những vấn đề về cách hiểu khác nhau, hai Bên sẽ trao đổi giải quyết qua đường ngoại giao.

Điều 19. Kế hoạch này có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày 31 tháng 7 năm 2006.

[...]