Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch hành động 40/KH-UBND thực hiện chủ đề năm 2023 "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số" do Thành phố Hải phòng ban hành

Số hiệu 40/KH-UBND
Ngày ban hành 13/02/2023
Ngày có hiệu lực 13/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 13 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ NĂM 2023 CỦA THÀNH PHỐ VỀ “ĐẨY MẠNH CHỈNH TRANG, HIỆN ĐẠI HÓA ĐÔ THỊ - XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU - THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ”

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Thực hiện Nghị quyết của Thành ủy và Hội Đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu - chi ngân sách và phát động phong trào thi đua năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chủ đề năm 2023 của thành phố về “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số” như sau:

1. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1.1. Mục tiêu tổng quát:

- Triển khai tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết của Thành ủy và Hội Đồng nhân dân thành phố. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung thực hiện Chủ đề năm 2023 của thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

- Thực hiện đột phá xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển, phát triển mở rộng không gian đô thị theo 03 hướng đột phá. Tập trung đầu tư hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, hướng tới cơ bản đạt tiêu chí đô thị đặc biệt, đô thị thông minh đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung nguồn lực đầu tư, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

- Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân thành phố trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng và hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu tại 35 xã thực hiện từ năm 2022; xây dựng tiếp 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu để hoàn thành vào năm 2024; xây dựng kế hoạch để triển khai đồng bộ tại các xã khác, đảm bảo hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2025, có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu” theo Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 và Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố.

- Nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc tại các cấp được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Phấn đấu thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo chung quốc gia. Đẩy mạnh thu thập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hoạt động kiểm tra, hội họp của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Về phát triển xã hội số, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; nâng cao tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử; đảm bảo an toàn, an ninh mạng (GCI).

1.2. Yêu cầu:

- Kế thừa và phát triển kết quả đã đạt được - khắc phục khó khăn, vướng mắc tồn tại của Chủ đề năm 2022, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt Chủ đề năm 2023.

- Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố để thực hiện Chủ đề năm 2023 của thành phố.

- Cụ thể hoá các nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá, kiểm điểm định kỳ việc triển khai thực hiện. Quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung thực hiện Chủ đề năm 2023 tới các cấp, các ngành và nhân dân toàn thành phố.

- Đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, tiến độ thực hiện từng công việc cụ thể.

2. NỘI DUNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

2.1. Nhiệm vụ về công tác tuyên truyền:

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến tinh thần, nội dung Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu - chi ngân sách và phát động phong trào thi đua năm 2023 đến các tổ chức, cá nhân.

- Công tác tuyên truyền về Nghị quyết cần được tiến hành với quy mô sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng, kết hợp với việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố gắn với từng giai đoạn, tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, cũng như những yếu tố tiềm năng, lợi thế, vị thế của thành phố để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2021-2025.

- Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và nhận thức của nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

- Tổ chức tuyên truyền khuyến khích người dân liên kết với chính quyền qua dịch vụ công thành phố; tuyên truyền chuyển đổi số, ứng dụng số, kỹ năng số cho người dân trên các nền tảng truyền thông của thành phố.

2.2. Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị:

- Chú trọng công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị theo hướng rõ bản sắc là đô thị xanh, văn minh, hiện đại, đô thị sinh thái, đô thị thông minh. Hoàn thành và triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, điều chỉnh quy hoạch vùng Duyên hải Bắc bộ; tổ chức lập Quy hoạch chung đô thị mới và Chương trình phát triển đô thị Thủy Nguyên, An Dương; điều chỉnh quy hoạch phân khu các quận, quy hoạch chung các thị trấn và các đô thị vệ tinh, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch các khu chức năng, quy hoạch không gian ngầm đô thị; lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố, xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố, xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023. Tiếp tục thực hiện việc thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín để nghiên cứu quy hoạch xây dựng nhũng dự án, quy hoạch lớn, quan trọng.

- Tiếp tục thu hút các dự án để mở rộng không gian đô thị về 03 hướng đột phá: (1) Hướng Đông Nam gắn với cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; (2) Hướng Bắc gắn với phát triển hệ thống đô thị hai bờ sông Cấm; (3) Hướng Tây Nam, tập trung phát triển đô thị sinh thái hai bên sông Lạch Tray và Đồ Sơn.

- Tập trung hoàn thiện các Đề án: Thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

- Đầu tư một số công trình hạ tầng đô thị, giao thông chiến lược thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại quận Dương Kinh, quận Kiến An, huyện Kiến Thụy.

- Từng bước triển khai các thủ tục đầu tư, chỉnh trang, cải tạo các đoạn sông chảy qua nội đô như: Sông Tam Bạc, sông Cấm, sông đào Hạ Lý,...

- Xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể xây dựng công viên cây xanh, các khu vực vui chơi, các công trình phục vụ cộng đồng tại địa điểm phù hợp trên địa bàn các quận, phấn đấu đến năm 2025 mỗi phường, thị trấn hoặc các phường giáp ranh cần có ít nhất một công viên, vườn hoa cấp đơn vị ở phục vụ cộng đồng với quy mô tối thiểu 0,5ha theo Quy chuẩn QCVN:01/2021/BXD.

[...]