Kế hoạch hành động 10/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và các nghị quyết hội đồng nhân dân tỉnh về giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 10/KH-UBND
Ngày ban hành 22/01/2014
Ngày có hiệu lực 22/01/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Kim Mai
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/KH-UBND

 Tiền Giang, ngày 22 tháng 01 năm 2014

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 02/01/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CÁC NGHỊ QUYẾT HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014

Năm 2013, kinh tế trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt được cơ bản mục tiêu tổng quát đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch đề ra; sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định và đạt kế hoạch đề ra; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; ngành dịch vụ tăng trưởng khá và cao hơn so với năm 2012; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; khó khăn trong sản xuất kinh doanh từng bước được tháo gỡ...; các lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm, mua thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo… được tập trung lãnh đạo đạt kết quả tốt. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và trong tầm kiểm soát...

Tuy nhiên, bên cạnh đó tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn. Sức cạnh tranh của nhiều ngành kinh tế, nhiều sản phẩm chủ lực, doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp, môi trường đầu tư, thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách không đạt mục tiêu đề ra, trong khi nhu cầu đầu tư là rất lớn, nhất là đối với các công trình trọng điểm, công trình có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đầu tư xây dựng nông thôn mới…

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2014 là: Đẩy nhanh phát triển kinh tế gắn với thực hiện tốt chính sách của Trung ương về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thúc đẩy tăng trưởng gắn với chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, doanh nghiệp và phát huy được những lợi thế của tỉnh... Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn chỉnh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tăng cường đầu tư và thu hút đầu tư. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Tăng cường và mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2014 như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,5 - 10,0% so với năm 2013. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,5 - 5,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,5 - 15,5%; và khu vực dịch vụ tăng 9,5 - 9,7%. GDP theo giá thực tế khoảng 70.200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân/người đạt 40,5 triệu đồng; cơ cấu kinh tế năm 2014: khu vực I chiếm 39,2%, khu vực II chiếm 32,2% và khu vực III chiếm 28,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,17 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 21.500 - 22.500 tỷ đồng; tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương là 3.704 tỷ đồng; tốc độ phát triển dân số 0,8%/năm, giảm tỷ lệ sinh 0,1%o; tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi: mẫu giáo 68%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 95%, trung học phổ thông 51%; tuyển mới 5.360 sinh viên, học sinh (960 đại học, 1.860 cao đẳng và 2.540 trung cấp chuyên nghiệp); 595 học sinh cao đẳng nghề; 1.370 trung cấp nghề; 22.000 học viên sơ cấp và dạy nghề thường xuyên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 34,7%. Tạo việc làm cho 24.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp thành, thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 13,9%; tỷ lệ tử vong: trẻ em dưới 1 tuổi là 10,2‰, trẻ em dưới 5 tuổi là 11,7‰; số giường bệnh/10.000 dân là 21 giường; số bác sỹ/10.000 dân là 5,5 người; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 93,0%; tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch 99%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý 86%; tỷ lệ nước thải y tế được thu gom và xử lý 65%.

Theo dự báo, năm 2014 tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; trong nước chính trị xã hội ổn định, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng, bên cạnh còn nhiều khó khăn, yếu kém.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 và dự toán ngân sách năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Phần thứ nhất

NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014

I. GÓP PHẦN CÙNG CẢ NƯỚC ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

1. Triển khai thực hiện tốt các chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền tệ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý, phấn đấu tăng trưởng dư nợ năm 2014 tăng 13% so năm 2013; tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các món nợ cũ, phấn đấu không còn cơ cấu dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Thực hiện tốt các chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như chính sách tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn theo NĐ 41/2010/NĐ-CP; Hỗ trợ lãi suất giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thực hiện tốt việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, kích thích phát triển sản xuất.

- Nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Thực hiện đúng các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro. Năm 2014, giảm tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 2%.

- Thực hiện các chính sách, giải pháp xử lý có hiệu quả nợ xấu; tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng; giám sát thực hiện các chỉ số an toàn của các tổ chức tín dụng.

2. Triển khai thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

a) Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan và địa phương:

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN.

- Chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu để xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp thực hiện.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Phối hợp với các cơ quan đã xây dựng quy chế phối hợp để vừa tuyên truyền, vừa đấu tranh ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước nhằm răn đe, ngăn chặn đối với dạng tội phạm này và góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế. Tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan trong việc thu thập thông tin quản lý người nộp thuế; mở rộng thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại; củng cố chất lượng của công tác kê khai thuế qua mạng Internet đồng thời đẩy mạnh việc nộp thuế điện tử...

b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan và địa phương:

Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm và các khoản chi chưa cần thiết khác. Thực hành tiết kiệm, sử dụng nguồn vốn ngân sách có hiệu quả và chi đúng dự toán đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, chống tiêu cực, lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Phấn đấu đạt tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2014 đạt 3.704 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương đạt 6.020 tỷ đồng.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, cơ quan, địa phương:

- Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Kiểm tra, giám sát và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm của các sở, ngành, cơ quan, địa phương trong phân bổ, bố trí và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ.

- Rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án; căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án và xem xét, quyết định dừng những dự án chưa thật cấp bách, kém hiệu quả, tập trung vốn cho các dự án cấp bách, hiệu quả cao hơn, các dự án trọng điểm của tỉnh.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ