Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 96/KH-UBND công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 11/03/2024
Ngày có hiệu lực 11/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC NĂM 2024

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; các Văn bản của Thanh tra Chính phủ: số 2354/TTCP-KHTH ngày 23/10/2023 về việc định hướng, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2024 và số 2767/TTCP-C.IV ngày 14/11/2023 về định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2024; Chương trình số 32-CTr/TU ngày 22/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác trọng tâm về nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024; xét đề nghị của Thanh tra tỉnh tại Văn bản số 73/TT-NV3 ngày 15/02/2024, ý kiến biểu quyết thống nhất của các thành viên UBND tỉnh (bằng Phiếu biểu quyết), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực năm 2024, với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong công tác PCTN, tiêu cực. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về PCTN, tiêu cực.

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tiếp tục thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn.

Kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực của UBND tỉnh là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ PCTN, tiêu cực của cấp, ngành, cơ quan, đơn vị mình phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

2. Yêu cầu

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về PCTN, tiêu cực; tăng cường quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện hiệu quả Luật PCTN, Chương trình hành động của Trung ương, Chính phủ và của Tỉnh ủy về PCTN, tiêu cực.

Việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực phải gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tăng cường công khai, minh bạch trong các hoạt động để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN, tiêu cực; trong đó xác định phòng ngừa là chính và kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN nhằm phát hiện sớm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

II. NỘI DUNG

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra xử lý các vi phạm, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong khu vực công; tăng cường PCTN trong khu vực ngoài nhà nước; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN, tiêu cực theo quy định.

Tiếp tục đổi mới cách thức, phương pháp chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN, tiêu cực đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Tăng cường tính công khai, minh bạch, nhất là liên quan đến các công trình/dự án, công tác cán bộ…Thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát để kịp thời giải quyết những vấn đề được người dân quan tâm, bức xúc.

Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo nội dung quy định tại Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Khuyến khích việc phát hiện tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nhằm chống tâm lý ngại trách nhiệm, che dấu sai phạm để tránh ảnh hưởng đến trách nhiệm người đứng đầu và thành tích chung của cơ quan, đơn vị.

Việc bình xét thi đua, khen thưởng định kỳ, đột xuất đối với tổ chức, cá nhân phải được đánh giá cả tiêu chí hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức; từng bước đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN phù hợp với điều kiện thực tế, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về PCTN, tiêu cực, nhất là các văn bản mới ban hành, trọng tâm là: Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Văn bản số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung về công tác PCTN, tiêu cực; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Ban chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Văn bản số 890/TTg-V.I ngày 03/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCTN, tiêu cực thời gian tới; Kết luận số 120-KL/TU ngày 27/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ...

Về hình thức tuyên truyền: sử dụng các hình thức truyền thống (báo, đài, trang thông tin điện tử, tổ chức hội nghị,....), kết hợp với một số hình thức tuyên truyền khác phù hợp (tổ chức hội thi, hái hoa dân chủ…); khuyến khích việc sáng tạo trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tác dụng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực; chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể (như Công đoàn, Phụ nữ, các Hiệp hội,...) để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người có uy tín trong cộng đồng và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức (báo, đài, trang thông tin điện tử, tổ chức hội nghị, cuộc thi, tuyên truyền lưu động, tổ chức xét xử lưu động các vụ án tham nhũng....), phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ được giao của các địa phương, đơn vị.

Các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao năng lực, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật chính sách, pháp luật về PCTN cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về PCTN và đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ tuyên truyền viên là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giáo viên, giảng viên là những người tình nguyện giảng dạy ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng theo quy định, trong đó tập trung một số nội dung sau:

[...]