Kế hoạch 09/KH-UBND công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024

Số hiệu 09/KH-UBND
Ngày ban hành 09/01/2024
Ngày có hiệu lực 09/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Tấn Đức
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 09 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2024

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong công tác PCTN nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, hiệu quả công tác PCTN của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vụ lợi, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định pháp luật.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh PCTN và tiêu cực; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh.

c) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức cách mạng, có năng lực và trình độ chuyên môn vững vàng; tự giác chấp hành nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về PCTN; xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

d) Làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

2. Yêu cầu

a) Việc thực hiện công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và là một trong những tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; xác định trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Việc triển khai công tác PCTN phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng đối với đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu tại đơn vị.

c) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra nhằm phát hiện các hành vi tham nhũng để kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn các hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo

a) Thủ trưởng các đơn vị, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật về PCTN; thực hiện đồng bộ các quy định về phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật; chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác PCTN của cơ quan, đơn vị, địa phương có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó phải xác định rõ nội dung, yêu cầu, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về công tác PCTN theo quy định.

b) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng; chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dược dư luận xã hội quan tâm.

c) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác PCTN đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao.

2. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN

a) Về công tác tuyên truyền

Tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từng bước đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Các cơ quan Báo, đài địa phương chủ động, tăng cường xây dựng thường xuyên các chuyên mục, tin bài về phòng, chống tham nhũng, kịp thời đưa tin về kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của các đơn vị, địa phương, nhất là các thông tin liên quan đến việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đoàn thể (như công đoàn, phụ nữ, các hiệp hội,...) trong công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước nhất là các văn bản mới ban hành, trọng tâm là: Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; Kết luận số 10-KL/TW ngày 16/12/2016 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”.

Về đối tượng tuyên truyền: Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh.

Về hình thức tuyên truyền: Tùy theo đặc điểm tình hình, nhiệm vụ được giao, các địa phương, đơn vị chọn hình thức tuyên truyền cho phù hợp.

b) Về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy

Các trường, cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai Khoản 2, Điều 6 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 về việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ