Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2019 về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2025

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 10/12/2019
Ngày có hiệu lực 10/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Phan Cao Thắng
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Bình Định, ngày 10 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT KHUNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ QUY NHƠN ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 680/QĐ-UBND ngày 06/3/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa;

Căn cứ Quyết định số 4445/QĐ-UBND ngày 01/12/2016 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch thoát nước thành phố Quy Nhơn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 có tính đến biến đổi khí hậu;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đến năm 2025 với các nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng bền vững, đồng bộ, giữ gìn môi trường sinh thái, phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Làm tiền đề cho việc huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường thu hút các dự án đầu tư phát triển đô thị, nhà ở và các dự án phát triển dịch vụ khác theo quy hoạch được duyệt.

3. Tạo sự liên kết, thống nhất giữa các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với nhau trong phạm vi của một khu vực theo quy hoạch nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

II. Nội dung thực hiện:

1. Giải pháp phi công trình:

- Xúc tiến việc thành lập Ban Quản lý phát triển đô thị đảm nhận nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung và đầu tư phát triển đô thị.

- UBND thành phố Quy Nhơn và các cơ quan được giao chủ trì thực hiện các đồ án quy hoạch, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung; nghiên cứu, tìm kiếm và đề xuất nguồn vốn cụ thể để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung.

- Xây dựng quy định về việc trích lập, sử dụng nguồn kinh phí từ việc đấu giá quyền sử dụng đất của các dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư… để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung đô thị.

2. Giải pháp công trình: Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung để kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Đống Đa, Ghềnh Ráng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện trạng của thành phố Quy Nhơn nhằm tạo cơ sở hạ tầng để triển khai đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư, góp phần hình thành đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt (có dự kiến danh mục kèm theo).

III. Nguồn vốn đầu tư:

- Nguồn vốn từ ngân sách thành phố Quy Nhơn và hỗ trợ từ ngân sách tỉnh.

- Nguồn vốn từ quỹ phát triển nhà ở.

- Nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất của các dự án triển khai trong khu vực.

- Kêu gọi đầu tư từ khối kinh tế tư nhân.

- Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Xây dựng: Chủ trì theo dõi, hướng dẫn, quản lý, kiểm soát việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung theo Kế hoạch đã ban hành; triển khai quy hoạch chung đô thị Quy Nhơn và vùng phụ cận, làm cơ sở thu hút đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật và dự án có sử dụng đất theo quy hoạch chung được duyệt; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan được giao đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung đô thị; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện và đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có).

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đề xuất chủ trương triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, phân kỳ đầu tư phù hợp với tiến độ huy động vốn; tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án hạ tầng kỹ thuật khung đô thị; xúc tiến đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung đô thị; lập danh mục kêu gọi các dự án xã hội hóa đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện như: Xây dựng hệ thống giao thông kết nối các khu vực, xây dựng nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải; xúc tiến đầu tư, kêu gọi, thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng dự án xử lý nước thải đô thị; rà soát, cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung đô thị.

3. Sở Nội vụ: Chủ trì, tham mưu thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị và quỹ đất tỉnh theo quy định.

4. Sở Giao thông vận tải: Chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, lưu giữ hồ sơ của các nút giao đấu nối liên quan đến đường được giao quản lý; chấp thuận dự án xây dựng công trình thiết yếu có liên quan đến đường được giao quản lý, dự án sửa chữa công trình thiết yếu liên quan đến quốc lộ được giao quản lý; cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác đối với các tuyến đường được giao quản lý theo quy định.

[...]