Kế hoạch 957/KH-UBND năm 2013 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn (2013-2015) do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 957/KH-UBND
Ngày ban hành 24/04/2013
Ngày có hiệu lực 24/04/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Nguyễn Văn Linh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 957/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 24 tháng 04 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015; 5 chương trình phát triển kinh tế- xã hội trọng tâm giai đoạn 2011-2015 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2013-2015 của tỉnh Bắc Giang như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào chương trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, miền núi, kinh tế hộ gia đình, dịch vụ ngành nghề... Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và tiến bộ công bằng xã hội.

2. Yêu cầu

- Ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án, chính sách sớm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách phục vụ cho nhu cầu sản xuất, an sinh xã hội của người nghèo, xã nghèo, xã an toàn khu, xã ĐBKK của tỉnh. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh và dân sinh phù hợp với quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, kinh doanh.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu để thực hiện chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả. Tập trung hướng các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao trình độ dân trí, giảm những nguy cơ rủi ro cho người nghèo... bảo đảm giảm bền vững.

- Tập trung đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, xã an toàn khu, xã ĐBKK. Có cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thích hợp để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị cao, tạo thêm việc làm mới cho người lao động.

- Đẩy mạnh xã hội hóa về giảm nghèo, phát huy cao nội lực của người nghèo, xã nghèo tự vươn lên thoát nghèo; tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp tác đầu tư trong nước và Quốc tế để đẩy nhanh giảm nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất hiện tượng tái nghèo.

II. MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO

1. Mục tiêu chung

Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo, xã, thôn, bản ĐBKK; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

2. Mục tiêu cụ thể đến hết năm 2015

a) Giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn khoảng 8,5-9,0%; (riêng huyện Sơn Động và 13 xã nghèo của huyện Lục Ngạn giảm bình quân từ 4-5%/năm); toàn tỉnh không còn hộ nghèo là gia đình người có công với cách mạng;

b) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống của người nghèo, trước hết là về đường giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản;

c) Cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản ĐBKK được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch sinh hoạt, thủy lợi... có khoảng 10% xã ĐBKK thoát khỏi tình trạng ĐBKK.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2015

a) 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải;

b) 65% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải;

c) Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng trên 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm;

d) 100% thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh;

e) 95% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm;

f) Trên 95% hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội;

g) 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế;

h) 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho theo quy định của Chính phủ;

i) 100% đối tượng người nghèo có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý miễn phí.

[...]