Kế hoạch 311/KH-UBND năm 2021 về triển khai giải pháp sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang giai đoạn sau đại dịch Covid-19

Số hiệu 311/KH-UBND
Ngày ban hành 02/11/2021
Ngày có hiệu lực 02/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 311/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 02 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI GIẢI PHÁP SẢN XUẤT, TIÊU THỤ, XÚC TIẾN XUẤT KHẨU CỦA TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

Dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh Tiền Giang; một số chuỗi sản xuất bị đứt gẫy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Tiền Giang như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc và các thị trường tiềm năng như: Nam Phi, Trung Đông... đã hạn chế hoạt động thương mại và tiêu dùng, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, tiến độ thông quan chậm do tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh ở cả hai đầu xuất hàng hóa và nhập hàng hóa đã làm tăng thêm thời gian và chi phí.

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Công văn số 6802/VPCP-KTTH ngày 23/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau Covid-19 và các văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch triển khai giải pháp sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang giai đoạn sau đại dịch Covid-19, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt thực hiện nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau dịch Covid-19; trong đó, ưu tiên nhóm hàng nông sản và thủy sản.

- Phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, tham mưu, triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm xúc tiến xuất khẩu các ngành hàng giai đoạn sau Covid-19; trong đó, ưu tiên nhóm hàng nông sản và thủy sản.

- Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch.

II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ chung của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng...; tăng tỷ trọng sản lượng sản phẩm có chất lượng cao, gia tăng giá trị sản phẩm; phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, an toàn thực phẩm, có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, mã vùng trồng, tem, nhãn; đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật,... phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông thủy sản, sản xuất hàng xuất khẩu của tỉnh.

2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Sở Công Thương

- Tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới (công nghiệp báo quản, chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp sinh học, duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp).

- Tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố mở lại các chợ truyền thống kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tăng cường hợp tác, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố nhằm tạo nguồn cung cấp đáp ứng nhu cầu của người dân và hỗ trợ tìm đầu ra cho các doanh nghiệp. Chuẩn bị nguồn cung cho dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.

- Tăng cường công tác tuyên truyền các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết, chú trọng mở rộng nội dung tuyên truyền phổ biến sang hướng dẫn cách xác định đạt tiêu chí quy tắc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi theo FTAs, đặc biệt tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thực thi quy định pháp luật phòng vệ thương mại (PVTM) trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước để các doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt thông tin, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước trên thế giới.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, có trọng tâm trọng điểm, thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm; tổ chức, giới thiệu và làm đầu mối cho các doanh nghiệp tham gia các diễn đàn, hội thảo, khảo sát thị trường, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường. Chú trọng kết nối tiêu thụ các nhóm hàng nông thủy sản, sản phẩm làng nghề; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại thông qua ứng dụng thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, chú trọng công tác kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các phương tiện này, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước và quốc tế như: Cổng thông tin xuất khẩu của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại và các trang bán hàng như: Sendo, Shopee, Tiki, Voso, Postmart...

- Thường xuyên liên hệ và nắm bắt tình hình xuất khẩu nông thủy sản tại các cửa khẩu như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang để thông tin đến doanh nghiệp về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19; trong đó, có thông tin đến doanh nghiệp về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời, rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, bảo đảm đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nông sản trong, ngoài tỉnh và chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng.

[...]