Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2022 triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ngành y tế đến năm 2025 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 31/05/2022
Ngày có hiệu lực 31/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 31 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NGÀNH Y TẾ ĐẾN NĂM 2025

PHẦN I: THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NGÀNH Y TẾ

1. Hạ tầng kỹ thuật

- Trung bình 01 máy tính/ 03 cán bộ công chức, viên chức, người lao động.

- 100% Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh (KCB) gồm có 2 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Vũng Tàu, Bệnh viện Bà Rịa) và 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 8 Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố và 82 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao.

- Hệ thống Y tế dự phòng gồm có: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, 2 chi cục (An toàn vệ sinh thực phẩm, Dân số Kế hoạch hóa gia đình) và 8 đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và 82 trạm y tế phường/xã/thị trấn có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao.

- Không có kết nối WAN; Không có Trung tâm dữ liệu.

- Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh đến huyện, xã đều đã ứng dụng một số phần mềm, tuy nhiên hầu hết những phần mềm này đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế vì có nhiều lỗi chương trình và tốc độ xử lý dữ liệu quá chậm; không phục vụ cho việc quản lý của lãnh đạo bệnh viện, cũng không có tính năng trợ giúp chuyên môn cho nhân viên y tế và cũng không giúp cho Sở Y tế thu thập số liệu thống kê bệnh viện; nên phải sử dụng thêm nhiều phần mềm hỗ trợ khác.

- Việc triển khai phần mềm quản lý bệnh viện mang tính chất đơn lẻ, không thống nhất và không có khả năng liên kết (như Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm Thần sử dụng phần mềm HIS do Tập đoàn Vietssen, Bệnh viện Vũng Tàu sử dụng phần mềm Hsoft của công ty tin học Đăng Quang, các TTYT huyện, thành phố sử dụng phần mềm HIS do VNPT cung cấp, …)

- Có nhiều công ty cung cấp phần mềm cho các đơn vị trên toàn tỉnh, do đó, phần mềm hệ thống, hệ quản trị cơ sở dữ liệu do các công ty cung cấp không đồng nhất giữa các bệnh viện.

- Các phần mềm quản lý xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thường chạy độc lập, không kết nối với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện.

2. Các hệ thống nền tảng

- Chưa có hệ thống nền tảng, dùng chung cho các ứng dụng của đơn vị, địa phương để tích hợp dữ liệu về một đầu mối từ đó có khả năng cung cấp và chia sẻ dữ liệu giữa các bệnh viện, với Bộ Y tế và nền tảng tích hợp LGSP (Local Government Service Platform) của tỉnh. Các bệnh viện, cơ sở y tế không thể kết nối trực tiếp vào LGSP của tỉnh được. Trong khi đó, Sở Y tế bắt buộc phải có một đầu mối để quản dữ liệu này để có thể kết nối và chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành về LGSP của Bộ Y tế và các ngành liên quan.

3. Phát triển dữ liệu

- Chưa xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL chuyên ngành).

4. Các ứng dụng, dịch vụ

4.1. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý điều hành và cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

- Xây dựng trang thông tin điện tử Sở Y tế. Đăng tải kịp thời các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch, định hướng phát triển ngành; cung cấp thông tin liên quan đến sức khỏe đến người dân.

- Triển khai áp dụng các phần mềm quản lý văn bản với các Sở, ban, ngành và trong toàn ngành Y tế (từ Bộ Y tế đến Trạm Y tế).

- Cải cách thủ tục tục hành chính: sử dụng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Tỉnh, với 181 TTHC: mức 4 là 76 TTHC, mức 3 là 50 TTHC, mức 2 là 47 TTHC và 08 thủ tục hành chính tiếp nhận tại Sở Y tế; Sở Y tế đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện; phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện liên thông 02 thủ tục.

- Ý kiến chỉ đạo và các văn bản được phổ biến nhanh, kịp thời, giảm được chi phí và thời gian. Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính (khi có yêu cầu), công khai minh bạch hơn trong cung cấp và giải quyết thủ tục hành chính, giảm phí cho người dân, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

4.2. Ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT)

- Kết quả triển khai phần mềm: 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý KCB và thanh toán BHYT theo đúng quy định.

- Kết quả thực hiện trích xuất đầu ra dữ liệu các bảng theo phụ lục Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế: 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều trích xuất được dữ liệu đầu ra theo quy định.

- Kết quả đẩy dữ liệu lên Cổng giám định BHYT và Cổng dữ liệu của Bộ Y tế: thực hiện theo Thông tư số 48/2017/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Công văn số 2782/BYT-BH ngày 17 tháng 5 năm 2018 của Bộ Y tế về việc thực hiện trích chuyển dữ liệu điện tử khám bệnh, chữa bệnh. Đến thời điểm hiện tại tất cả hồ sơ KCB được đẩy tự động lên Cổng dữ liệu Bộ Y tế và Cổng giám định BHYT theo đúng quy định. Theo báo cáo kết quả giám định trực tuyến hồ sơ gửi đúng ngày trung bình đạt >98%.

- Kiểm tra thông tuyến trong KCB BHYT: hiện tại tất các cơ sở y tế đều thực hiện được việc kiểm tra thông tuyến thông qua Cổng giám định BHYT.

4.3. Quản lý hồ sơ sức khỏe người dân:

[...]