Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 424/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2017
Ngày có hiệu lực 15/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Lê Văn Tâm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 15 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 424/QĐ-TTG NGÀY 07 THÁNG 4 NĂM 2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn thành phố như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức phòng, chống ma túy với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp tại 100% số xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất.

2. Số vụ phạm tội sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy từ mức độ nghiêm trọng trở lên được phát hiện, xử lý tăng hơn 5% so với năm trước; không phát sinh điểm phức tạp về ma túy, triệt xóa từ 5 - 10% số điểm mỗi năm trên địa bàn thành phố; triệt phá 100% diện tích trồng cây cần sa phát hiện được.

3. Phấn đấu hạn chế phát sinh người nghiện mới, mỗi năm hơn 1% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đủ tiêu chuẩn đưa ra khỏi diện và giảm hơn 1% số xã, phường, thị trấn có ma túy so với năm trước; đến năm 2020 có hơn 20% số xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy giảm mức độ phức tạp so với năm 2015; mỗi quận, huyện xây dựng được 01 mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn/năm.

4. Hàng năm, 80% số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện; cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tệ nạn ma túy: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức, trên tất cả các phương tiện truyền thông với nội dung phù hợp từng vùng, từng loại đối tượng, chú ý đến tác hại và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới; hỗ trợ hoạt động và nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả ở cơ sở; kết hợp, lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và phát triển kinh tế - xã hội khác.

2. Chủ động nắm tình hình, tổ chức đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm ma túy, chú trọng đấu tranh ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào thành phố và triệt xóa các điểm ma túy phức tạp. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

3. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy, không để thất thoát tiền chất, các dược phẩm có chứa chất ma túy và chất hướng thần sử dụng sai mục đích; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý triệt để những hành vi liên quan đến trồng cây có chứa chất ma túy và sản xuất trái phép ma túy trên địa bàn, nhất là ma túy tổng hợp.

4. Tổ chức quản lý chặt chẽ người nghiện; thực hiện có hiệu quả việc rà soát, thống kê, phân loại người nghiện ma túy; tiếp tục đổi mới, mở rộng các hình thức, biện pháp dự phòng nghiện ma túy, cai nghiện và giảm tác hại cho người nghiện ma túy; hỗ trợ, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý sau cai tại cộng đồng, phòng ngừa tái nghiện.

5. Tăng cường khả năng chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện và mở rộng các hình thức, biện pháp xã hội phòng, chống ma túy; huy động đa dạng các nguồn lực hợp pháp tham gia phòng, chống ma túy.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao hiệu quả điều hành, chỉ đạo thực hiện toàn diện công tác phòng, chống ma túy

a) Nâng cao năng lực nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là các vụ án phức tạp, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tăng cường xét xử lưu động, xét xử các vụ án trọng điểm tại nơi xảy ra tội phạm nhằm răn đe và phòng, chống ma túy;

b) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan phòng, chống ma túy theo hướng chuyên môn hóa, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, trong đó ưu tiên tăng cường lực lượng, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách và bộ phận làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy;

c) Kiến nghị, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, trước mắt là khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật khác liên quan. Tổ chức quản lý chặt chẽ những ngành, nghề dễ bị tội phạm ma túy lợi dụng thực hiện hoạt động phạm tội, các hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất ma túy, thuốc hướng thần và thuốc có chứa chất ma túy;

d) Đảm bảo các nguồn lực, có chính sách đãi ngộ thích đáng động viên, khuyến khích việc tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy của các cá nhân, tổ chức kinh tế - xã hội và cả hệ thống chính trị. Định kỳ có kế hoạch tổ chức điều tra cơ bản, rà soát, đánh giá tình hình tệ nạn ma túy để điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống ma túy phù hợp với từng thời điểm và từng địa bàn;

đ) Áp dụng hiệu quả các thành tựu khoa học tiên tiến và công nghệ hiện đại vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Ưu tiên lĩnh vực đấu tranh, giám định chất ma túy và thống kê về phòng, chống ma túy.

2. Nâng cao năng lực, hiệu quả tuyên truyền phòng, chống ma túy

a) Xác định rõ vai trò, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, phối hợp và thống nhất nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy giữa các cơ quan chức năng. Tiến hành nghiên cứu, cải tiến phương pháp, nội dung, hình thức, xây dựng các chương trình tuyên truyền theo hướng chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể;

b) Xây dựng Chương trình, kế hoạch gia tăng thời lượng và đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy giữa các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương. Xây dựng các phóng sự, thông điệp và những thông tin phòng, chống ma túy cần thiết, thu hút được sự quan tâm của đại đa số người dân vào những thời điểm thích hợp. Đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy trên mạng viễn thông, Internet, đồng thời có biện pháp hạn chế việc quảng bá, lôi kéo sử dụng bất hợp pháp các chất ma túy qua các mạng này;

c) Kết hợp các hình thức tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp, trong đó chú ý vai trò của các tổ chức, cá nhân có uy tín; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sinh động mang thông điệp phòng, chống ma túy. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, trọng tâm là học sinh - sinh viên, công nhân, viên chức, đoàn viên công đoàn và nhân dân ở các vùng có nguy cơ trồng cây có chứa chất ma túy;

d) Hàng năm, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, đội ngũ phóng viên, cán bộ giảng dạy tại các nhà trường được phân công trực tiếp thực hiện công tác này;

đ) Hỗ trợ tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống ma túy ở cấp cơ sở, tập trung cho các xã, phường, thị trấn có ma túy. Trong đó, chú trọng triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm làm tốt công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy phát sinh; bồi dưỡng nâng cao khả năng nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các tổ chức đoàn thể về phòng, chống ma túy; xây dựng và duy trì các mô hình có hiệu quả về phòng, chống ma túy.

3. Nâng cao năng lực, hiệu quả đấu tranh chống tội phạm về ma túy

[...]