Kế hoạch 83/KH-UBND hành động về Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ năm 2016

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 28/06/2016
Ngày có hiệu lực 28/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2016

I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NĂM 2015

1. Công tác triển khai:

Thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã ban hành Quyết định số 3616/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2013 thực hiện Quyết định số 160/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường hiệu quả, bền vững; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; không ngừng phát triển văn hóa, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2015 về kế hoạch hành động về phát triển bền vững năm 2015, cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Phát triển bền vững, thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác triển khai, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Thông tin, tuyên truyền trên báo, đài, Trang Thông tin điện tử thành phố, tổ chức phổ biến bộ tiêu chí đánh giá bền vững đến tất cả các cơ sở giáo dục, thông tin trực tiếp đến cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, hội thi... Nổi bật, một số sở, ngành thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực như:

a) Sở Công Thương tổ chức triển khai thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tập huấn triển khai các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cho công nhân, cán bộ quản lý năng lượng tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn; phổ biến một số nội dung về tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm, dệt may, xi măng, các tòa nhà thương mại…, giúp doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm tuân thủ đúng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức về vai trò, ý nghĩa của bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học đối với phát triển bền vững: Trong năm đã tổ chức 06 lớp tập huấn nhằm tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn thành phố.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành xây dựng Kế hoạch số 460/SNN&PTNT ngày 04 tháng 5 năm 2012 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, trong đó: tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, chương trình IPM trên lúa, tập huấn kỹ năng ghi chép sổ thực hiện chương trình GAP; chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, hiệu quả; chuyển giao khoa học kỹ thuật về các phương thức canh tác áp dụng trong sản xuất nông nghiệp...

2. Kết quả thực hiện:

a) Thực hiện hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với phát triển bền vững:

- Thành phố đã ban hành nhiều chính sách quản lý và định hướng phát triển trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của thành phố như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết 14/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của HĐND thành phố về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015… Quan tâm công tác vận dụng chính sách pháp luật quản lý nhà nước về quy hoạch và triển khai quy hoạch, thành phố có trên 135 quy hoạch đã được duyệt, đang còn hiệu lực[1], chất lượng quy hoạch thời gian qua đã được cải thiện, các quy hoạch cơ bản đánh giá sát thực trạng phát triển ngành lĩnh vực, xác định được lợi thế, tiềm năng của địa phương để bố trí phát triển sản xuất khoa học, đảm bảo tính kế thừa và tính thống nhất giữa các quy hoạch; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá tính bền vững của các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực nhằm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp nhu cầu phát triển của địa phương trong từng thời kỳ.

- Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND thành phố theo thẩm quyền, qua đó góp phần điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp tình hình thực tế của thành phố, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi kịp thời những thủ tục hành chính không còn phù hợp.

- Thành phố đã nghiệm thu và triển khai đề tài cấp thành phố “Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ: Thực trạng và giải pháp”, kết quả nghiên cứu cơ bản đã hệ thống hóa được khung lý thuyết về phát triển bền vững tại Việt Nam; đạt được mục tiêu phân tích, đánh giá hiện trạng theo các chỉ tiêu lựa chọn và đề xuất giải pháp phát triển bền vững thành phố Cần Thơ; đánh giá tổng hợp mức độ phát triển bền vững của thành phố thông qua các chỉ tiêu và có thực hiện đánh giá tổng hợp theo BSI (Barometer of Sustainability Index).

b) Lồng ghép các nguyên tắc, nội dung phát triển bền vững trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển:

- Các nguyên tắc, nội dung phát triển bền vững từng bước được lồng ghép trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển, đề án của thành phố cụ thể: Trong năm 2015, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) thành phố Cần Thơ thời kỳ đến năm 2020 đã lồng ghép các mục tiêu, định hướng và các giải pháp nhằm chăm lo phát triển con người một cách toàn diện, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào hiệu quả, sức cạnh tranh, tạo sự tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng của thành phố. Phê duyệt Đề án giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Cần Thơ đến năm 2020, với định hướng kết hợp chặt chẽ hài hòa giữa phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; tạo cơ cấu kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững. Phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí dự án “Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trong đó đã xác định mục tiêu của quy hoạch là phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên; tập trung phát triển khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh trên nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

- Trong công tác quy hoạch xây dựng, trên cơ sở đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các đồ án quy hoạch chuyên ngành Hạ tầng kỹ thuật đô thị đang được triển khai thực hiện. Đến nay, thành phố đã phê duyệt 02/07 đồ án; 05/07 đồ án đang trong thời gian thực hiện lập Quy hoạch[2]. Ngoài ra, thành phố còn quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng thành phố và các thị trấn trên địa bàn các huyện, quy hoạch phân khu đô thị… Thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020 yêu cầu cập nhật mới nhất các thông tin, đặc biệt từ định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua tháng 12 năm 2016.

- Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tiến hành rà soát thực hiện Quy hoạch phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; lập Quy hoạch chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ; lập Quy hoạch xây dựng củng cố hệ thống đê bao sông, rạch các khu vực sản xuất nông nghiệp thành phố Cần Thơ; Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư giai đoạn 2011 -2015 và định hướng đến năm 2020; triển khai đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thành phố Cần Thơ” để nâng cao năng lực cung ứng giống lúa, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định.

- Thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của thành phố Cần Thơ; các quận, huyện đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2015, làm cơ sở để ổn định đất sản xuất nông nghiệp lâu dài cho người dân. Đến năm 2015, đất nông nghiệp chiếm 78,6% tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố (trong đó đất trồng lúa là 83.163 ha); đến năm 2020, đất nông nghiệp giảm còn 76,5% tổng diện tích đất tự nhiên (trong đó đất trồng lúa là 76.230 ha).

c) Bước đầu đã hình thành và triển khai các mô hình, sáng kiến phát triển bền vững:

- Văn hóa, du lịch: Thành phố định hướng phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa; hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương. Triển khai Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam[3]. Hướng dẫn các cơ sở lưu trú các tiêu chí bảo vệ môi trường trong quá trình xếp hạng sao khách sạn. Hướng dẫn tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, sử dụng các hóa chất trong khách sạn thân thiện với môi trường... Chỉ đạo phối hợp với Dự án EU mở các khóa tập huấn cho các doanh nghiệp du lịch, các hộ nông dân làm du lịch có trách nhiệm với môi trường, du lịch bền vững...

- Nông nghiệp: Triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”[4], hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua chế biến và xuất khẩu theo hình thức khép kín; chú trọng đến phẩm chất lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu tạo đà phát triển theo hướng bền vững. Xây dựng và mở rộng vùng rau an toàn[5]; chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và định hướng nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP) để tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng. Thực hiện Chương trình khí sinh học tại các quận huyện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và tận dụng chất thải trong sản xuất. Đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP... nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Công nghệ thông tin: Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông dần dần đi vào nề nếp và phát triển đúng định hướng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và tổ chức gồm: Hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành; hệ thống thư điện tử thành phố và triển khai chữ ký số góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, hạn chế giấy tờ, tiết kiệm chi phí trong hoạt động của đơn vị. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, doanh nghiệp từng bước được quan tâm đầu tư góp phần nâng cao năng suất, chất lượng giải quyết công việc hàng ngày của cơ quan, đơn vị.

- Công nghiệp và xây dựng: Xây dựng và trình diễn mô hình sử dụng trang thiết bị năng lượng mới, năng lượng tái tạo[6], triển khai nhiều dự án góp phần hạn chế tác hại và thích ứng với biến đổi khí hậu như: Dự án tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Cần Thơ; dự án ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng; dự án nâng cao khả năng chống chịu của thành phố Cần Thơ ứng phó với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra... Ngoài ra, để tạo không gian xanh, thành phố đã triển khai Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh thành phố Cần Thơ đến năm 2030 nhằm hình hành hệ thống cây xanh đặc trưng, góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho các công trình kiến trúc công cộng, đường giao thông… trên địa bàn thành phố.

Các công trình, dự án xây dựng, nâng cấp đô thị của thành phố bước đầu đã phát huy hiệu quả theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với chức năng phát triển dịch vụ thương mại, du lịch và đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Trong quá trình phát triển, thành phố vẫn giữ được đô thị đặc trưng vùng sông nước, tăng trưởng xanh, áp dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng…

- Đất đai và môi trường: Đẩy mạnh phong trào bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường rộng khắp trên toàn thành phố; tổ chức treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày môi trường tại các đường phố chính; ra quân làm vệ sinh môi trường tại khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, nạo vét cống rãnh thoát nước...; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường trong khu dân cư, khu đô thị, làng nghề, điển hình như: mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" ở phường Trung Kiên và phường Châu Văn Liêm; mô hình Câu lạc bộ "Phụ nữ phân loại rác và bảo vệ môi trường" tại phường Phước Thới có 50 hộ gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký tham gia; mô hình "Vận động nhân dân bỏ rác vào thùng" tại khu vực Bình Hưng, phường Phước Thới… góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát về lĩnh vực đất đai, có các giải pháp quản lý và khai thác đất đai hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tạo nguồn thu cho ngân sách. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đã triển khai, rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo khởi động kiểm kê khí thải và kết quả bước đầu cho thành phố Cần Thơ nhằm giới thiệu kế hoạch làm việc, các kết quả bước đầu của kiểm kê phát thải; và cùng trao đổi ý kiến, góp ý của các sở, ngành liên quan về hoạt động thu thập số liệu kiểm kê khí thải.

d) Tăng cường vai trò và tác động của khoa học và công nghệ trong thực hiện phát triển bền vững:

[...]