Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2020 về triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ” do tỉnh Ninh Bình ban hành
Số hiệu | 91/KH-UBND |
Ngày ban hành | 08/09/2020 |
Ngày có hiệu lực | 08/09/2020 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Bình |
Người ký | Nguyễn Ngọc Thạch |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin,Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/KH-UBND |
Ninh Bình, ngày 8 tháng 9 năm 2020 |
Thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án, cụ thể như sau:
1. Mục đích
Đầu tư hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm mục tiêu bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.
2. Yêu cầu
- Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động trong quản lý, điều hành của giao thông vận tải phù hợp với xu thế chung trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo bước đột phá trong phát triển giao thông vận tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phải thực hiện nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo hiệu quả; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính; thay đổi lề lối, cách thức làm việc từ môi trường truyền thống sang sử dụng các ứng dụng trực tuyến.
- Nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng dữ liệu để thực hiện phân tích dự báo, tạo lập số liệu hỗ trợ, tham mưu các cơ chế, chính sách và phục vụ công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước; khai thác đa dạng các nguồn dữ liệu để tạo ra các dịch vụ giá trị gia tăng mới phục vụ mục tiêu phát triển chung của toàn ngành giao thông vận tải.
- Tiếp cận xây dựng các nhiệm vụ của Đề án phải có tính tổng thể, được gắn kết với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và được triển khai theo lộ trình; hướng tới việc hình thành các nền tảng công nghệ bảo đảm sự liên thông về dữ liệu và nghiệp vụ cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giao thông vận tải; các dự án khi triển khai phải bảo đảm sự tuân thủ với Kiến trúc Chính phủ điện tử và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ngành giao thông vận tải.
- Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phải gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh quốc gia; triển khai đầy đủ các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức, không để lộ lọt thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
- Kế thừa kết quả của các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin đã được hoàn thành; huy động mọi nguồn lực của xã hội và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện triển khai các dự án; chú trọng kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giao thông vận tải theo hình thức hợp tác công tư.
1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải:
a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và cán bộ trong toàn ngành giao thông vận tải về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin và việc sử dụng dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành trong thời kỳ chuyển đổi số.
b) Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các hệ thống dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải; hướng tới cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải, các tiện ích giao thông thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số.
c) Xây dựng, phát triển hạ tầng, cơ sở dữ liệu mở phục vụ khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị chức năng và để người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
2. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật dùng làm nền tảng để phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải:
a) Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử của tỉnh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
b) Bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết bị, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng dùng chung cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.
c) Phối hợp với cơ quan liên quan từng bước thu thập, cập nhật đầy đủ dữ liệu địa lý về kết cấu hạ tầng để xây dựng các bản đồ số mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh; cung cấp dữ liệu không gian dùng cho công tác khảo sát và tính toán quy hoạch của ngành giao thông vận tải.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác chỉ đạo, điều hành của ngành giao thông vận tải
Triển khai, nâng cấp các phần mềm ứng dụng nội bộ trong cơ quan nhà nước để đổi mới phương thức làm việc truyền thống sang môi trường trực tuyến sử dụng hệ thống tích hợp các tính năng của văn phòng điện tử như quản lý văn bản, tài liệu điện tử, tài liệu họp, phòng họp trực tuyến, quản lý kế hoạch và theo dõi công việc qua mạng.
4. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ
a) Xây dựng trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh, bảo đảm khả năng thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông theo thời gian thực tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; cung cấp hướng dẫn đi lại thông qua cổng thông tin trực tuyến về các phương thức và các loại phương tiện vận tải dùng cho người dân và hành khách quốc tế.
b) Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa để hình thành hệ sinh thái kết nối các ứng dụng CNTT nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý tổng thể của nhà nước đối với các hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải; triển khai ứng dụng toàn diện các hệ thống giám sát hành trình phương tiện, hệ thống camera giám sát hình ảnh trên phương tiện kinh doanh vận tải, hệ thống quản lý, điều hành bến xe và hệ thống quản lý, điều hành xe của các doanh nghiệp vận tải.
c) Ứng dụng CNTT để minh bạch công tác quy hoạch mạng lưới và quản lý đăng ký khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định; tăng cường kiểm soát chặt việc đăng ký biển hiệu, phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải, trong đó có xe taxi kinh doanh vận tải theo phương thức sử dụng hợp đồng điện tử.