Kế hoạch 93/KH-UBND năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Số hiệu 93/KH-UBND
Ngày ban hành 26/08/2020
Ngày có hiệu lực 26/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Quang Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/KH-UBND

Thái Bình, ngày 26 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI, TẬP TRUNG ĐỐI VỚI LĨNH VỰC ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN 2030

- Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

- Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

- Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

- Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

- Căn cứ Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”;

- Căn cứ Quyết định số 1458-QĐ/TU ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Ban thường vụ tỉnh ủy Thái Bình về việc thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng đô thị thông minh;

- Căn cứ Quyết định số 838/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 của tỉnh Thái Bình;

- Căn cứ Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 11 tháng 2 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2019.

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đầu tư hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin, trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm mục tiêu bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải.

- Chế độ báo cáo ngành giao thông vận tải được chuẩn hóa và quản lý bằng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, có kết nối liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

- 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết về giao thông đường bộ được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên cổng dịch vụ công; các dịch vụ công phổ biến thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Hoàn chỉnh môi trường làm việc trực tuyến để bảo đảm 100% văn bản không mật được xử lý, trao đổi hoàn toàn điện tử; giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử.

- Bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giao thông vận tải; trong đó 100% hệ thống được kết nối trao đổi dữ liệu thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước.

- Kế hoạch quản lý, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng giao thông được cập nhật thường xuyên, kiểm tra số liệu, báo cáo kết quả xử lý trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin.

- Hình thành trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh.

- Số liệu phục vụ quản lý an toàn giao thông được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, Cảnh sát giao thông và y tế đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành.

- Tự động hóa công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải.

b) Tầm nhìn đến năm 2030

- Các hoạt động quản lý, điều hành trong cơ quan nhà nước của ngành giao thông vận tải được chuyển đổi số một cách toàn diện để có thể triển khai vận hành chủ yếu trực tuyến trên môi trường mạng.

- Hoàn chỉnh hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải với các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác; tạo lập được cơ sở dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành.

- Hoàn thành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho các công tác thực hiện quy hoạch, dự báo sớm trong chỉ đạo, điều hành ngành giao thông vận tải dựa trên việc phân tích kho dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau.

[...]