Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2020 triển khai Quyết định 703/QĐ-TTg về Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 91/KH-UBND
Ngày ban hành 02/12/2020
Ngày có hiệu lực 02/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/KH-UBND

Bình Định, ngày 02 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH 703/QĐ-TTG NGÀY 28/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT GIỐNG PHỤC VỤ CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nghiên cứu, tuyển chọn và đưa vào sản xuất những giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản (gọi tắt là giống cây trồng, vật nuôi) theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp nguồn giống có năng suất và chất lượng cao; chống chịu tốt với sâu bệnh hại và dịch hại; thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Hàng năm tổ chức nghiên cứu, tuyển chọn, khảo nghiệm, sản xuất thử những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh hại và dịch hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

- Đưa vào sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại, đồng thời tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, có thể đáp ứng xuất khẩu giống sang các nước, cụ thể:

+ Lĩnh vực trồng trọt: Đảm bảo sử dụng 99% giống lúa cấp xác nhận và hạt lai F1; sử dụng giống ngô lai đạt trên 95%; trên 70% diện tích cây ăn quả (cam, bưởi, xoài, dừa) sử dụng giống đúng tiêu chuẩn.

+ Lĩnh vực chăn nuôi: Đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với lợn đạt 95%, gia cầm đạt 85-90%, bò lai đạt 95%.

+ Lĩnh vực thủy sản: Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; 100% giống tôm thẻ chân trắng và 50 - 60% giống tôm sú được kiểm soát chất lượng và sạch một số bệnh.

+ Lĩnh vực lâm nghiệp: Tỷ lệ cây giống lâm nghiệp cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt trên 95%.

- Nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất giống.

II. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi

- Kế hoạch ưu tiên triển khai trên những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh.

- Đối với các cây trồng, vật nuôi khác; căn cứ yêu cầu thực tiễn sẽ xem xét, quyết định hỗ trợ theo chính sách của Kế hoạch này trong từng giai đoạn cụ thể.

2. Quy mô: Triển khai trên toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến hết năm 2030, chia theo 2 kỳ kế hoạch: Giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

III. NHIỆM VỤ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phát triển khoa học công nghệ về giống

1.1. Bảo tồn, lưu giữ, phục tráng nguồn gen

- Nhiệm vụ 1: Thu thập, bảo tồn, phục tráng, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn gen giống cây trồng đặc sản của tỉnh.

+ Nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ trung ương và địa phương: 1.000 triệu đồng.

+ Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.

+ Hình thức triển khai: Đề tài.

- Nhiệm vụ 2: Thu thập, bảo tồn, lưu giữ, nghiên cứu đánh giá, tư liệu hóa, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn gen vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Khai thác, sử dụng hiệu quả các giống gà ta MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ của công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư.

[...]