Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 9015/KH-UBND năm 2020 thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 9015/KH-UBND
Ngày ban hành 05/11/2020
Ngày có hiệu lực 05/11/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9015/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 05 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU (EVFTA) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA);

Triển khai Văn bản số 2680/BCT-ĐB ngày 15/4/2020 của Bộ Công thương về việc triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu âu (EVFTA) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai đồng bộ các hoạt động của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh triển khai có hiệu quả Hiệp định EVFTA.

2. Yêu cầu

- Nội dung hoạt động phải thiết thực, gắn kết với hoạt động chuyên môn, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương.

- Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn đảm bảo hiệu quả của việc triển khai thi hành Hiệp định.

- Thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, và kiến nghị sửa đổi, ban hành các văn bản để thực hiện Hiệp định EVFTA.

+ Tổ chức các hoạt động phổ biến, thông tin về Hiệp định EVFTA. Trong đó, tập trung vào các nội dung mang tính chuyên sâu và các thông tin thị trường.

+ Tổ chức tập huấn các cán bộ làm việc tại các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp về Hiệp định EVFTA.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU

- Tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng liên quan; đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như cán bộ, công chức sở, ngành, địa phương; hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả EVFTA.

- Đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước từ các cơ quan nhà nước có chức năng cung cấp thông tin thương mại - đầu tư để các doanh nghiệp của tỉnh có thể kịp thời nắm bắt thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước EU.

2. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

- Các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA.

- Thường xuyên theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong nước và thế giới, cụ thể như:

- Triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử, kinh tế số thúc đẩy giao dịch điện tử; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm và mở rộng thị trường với các nước thành viên EVFTA.

- Xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có hiệu quả và bền vững đặc biệt đối với những sản phẩm mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh; thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh trong thương mại quốc tế.

- Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch, thân thiện hơn đối với mọi thành phần kinh tế, để thu hút mối quan tâm của các nhà đầu tư đến từ EU vào tỉnh.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và năng lượng mới, công nghệ thông tin. Xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ bám sát yêu cầu thực tiễn gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

- Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường.

[...]