Kế hoạch 87/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 87/KH-UBND
Ngày ban hành 01/09/2020
Ngày có hiệu lực 01/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Nguyễn Ngọc Thạch
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 01 tháng 09 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi là Quyết định số 889/QĐ-TTg), UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2021 - 2025

+ 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

+ Xây dựng, áp dụng 01 đến 02 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

+ Tổ chức 01- 02 cuộc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững.

+ Giảm 30% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh, 45% các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh không dùng túi nilon khó phân hủy.

+ Khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.

2. Đến năm 2030

+ 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

+ Tổ chức 02 -03 cuộc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững.

+ Giảm 60% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh, 85% số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh không dùng túi nilon khó phân hủy.

+ Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng phân phối nông sản thực phẩm an toàn; truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh

a) Triển khai, hướng dẫn kỹ thuật và áp dụng các phương pháp, công nghệ kỹ thuật tốt nhất hiện có, thực hành môi trường tốt nhất nhằm khai thác hợp lý và giảm tổn thất tài nguyên trong các ngành công nghiệp.

b) Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng các mô hình thu hồi, tái sử dụng và tái chế chất thải, các mô hình quản lý tổng hợp khai thác, chế biến và chế tạo, sản xuất và sử dụng bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và năng lượng tái tạo cho các ngành công nghiệp.

c) Khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời tại các doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhằm giảm sử dụng nhiên vật liệu hóa thạch.

2. Thúc đẩy, nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường

a) Phổ biến và nhân rộng các mô hình đổi mới sinh thái trong các ngành chế biến thực phẩm, nước giải khát, bao bì và các ngành kinh tế khác; hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tốt vòng đời sản phẩm, các sản phẩm hóa chất theo các cam kết và thông lệ quốc tế.

b) Phổ biến và nhân rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp; mô hình khu, cụm công nghiệp, làng nghề sinh thái và bền vững; phát triển mạng lưới liên kết bền vững giữa sản xuất tiểu thủ công nghiệp và sản xuất công nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu, quy định kỹ thuật về môi trường và phát triển bền vững của các bên trong chuỗi cung ứng.

c) Xây dựng các tài liệu hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển làng nghề bền vững, mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mô hình nông nghiệp hữu cơ; mô hình nuôi trồng bền vững.

d) Hỗ trợ xây dựng và áp dụng nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về quản lý và sử dụng nước hiệu quả; các mô hình về giảm thiểu, thu hồi, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải; các mô hình kinh tế tuần hoàn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

e) Tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức, năng lực về hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cho cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp (cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích). Khuyến khích lồng ghép các nội dung về sản xuất tiêu dùng bền vững vào các chương trình giảng dạy các cấp đào tạo.

3. Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững

a) Phát triển hệ thống phân phối, các kênh phân phối hàng hóa bền vững, dịch vụ hậu cần, kho vận giao nhận hàng hóa theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nguyên nhiên vật liệu.

[...]