Kế hoạch 07/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 07/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2021
Ngày có hiệu lực 11/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 – 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình với các nội dung cụ thể sau:

I. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai có hiệu quả Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (điện mặt trời áp mái, trạm bơm điện an toàn và hiệu quả) và hỗ trợ 11 cơ sở áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn….

Kết quả, cơ bản đã giảm khoảng 5,2% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng của Tỉnh; giúp các cơ sở sản xuất nâng cao được ý thức sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất. Đồng thời, dự báo tiềm năng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn có thể tiếp tục giảm từ 8% đến 13% trong thời gian tới.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015, tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành khảo sát và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về năng lượng cho 05 ngành sản xuất trên địa bàn. Kết quả cho thấy, tiềm năng tiết kiệm nguyên nhiên liệu của các ngành sản xuất trên địa bàn Tỉnh còn rất lớn, cụ thể như sau:

- Ngành chế biến thủy sản: tiềm năng tiết kiệm từ 8 đến 14%.

- Ngành chế biến thức ăn thủy sản: tiềm năng tiết kiệm từ 6 đến 12%.

- Ngành chế biến lương thực: tiềm năng tiết kiệm từ 10 đến 15%.

- Ngành sản xuất nước đá: tiềm năng tiết kiệm từ 15 đến 30%.

- Ngành sản xuất gạch: tiềm năng tiết kiệm khoảng trên 40%.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và Lễ phát động Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 tổ chức vào tháng 11/2020 tại Đà Nẵng (kết quả thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 7/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ), đến nay, cả nước đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 20,5% so với năm 2010; 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 35,9% so với năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn….

II. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 – 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

- Phát triển kinh tế hiệu quả; bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và tái cơ cấu nền kinh tế;

- Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững được triển khai đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá;

- Đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ; chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm;

- Coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm được sản xuất trong nước.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2025

- Triển khai, hướng dẫn các quy định, chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; về mua sắm công xanh;

- Hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; các chính sách thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần;

- Giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, chế biến trên địa bàn Tỉnh.

- Hàng năm hỗ trợ xây dựng từ 02 - 03 mô hình về áp dụng sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững để phổ biến và nhân rộng trên địa bàn Tỉnh;

- Xây dựng ít nhất 03 chuỗi liên kết cho ngành hàng chủ lực; thúc đẩy chuỗi cung ứng theo theo hướng phát triển bền vững.

- 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

[...]