Kế hoạch 720/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 720/KH-UBND
Ngày ban hành 24/11/2021
Ngày có hiệu lực 24/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 720/KH-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC VĂN HÓA ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2022-2026 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam;

Thực hiện Công văn số 3518/BVHTTDL-HTQT ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 trên địa bàn tỉnh An Giang, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam (viết tắt là Chỉ thị số 25/CT-TTg); Đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh miền đất, con người, những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh An Giang đến bạn bè quốc tế; Tăng cường các hoạt động giao lưu biên giới, qua đó mở rộng hợp tác với các địa phương thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa góp phần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh.

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của văn hóa đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước, của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức hữu nghị và Nhân dân trong công tác văn hóa đối ngoại.

2. Yêu cầu.

- Tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại phải đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Lồng ghép các hoạt động văn hóa đối ngoại với các hoạt động nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh; gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại, góp phần tăng cường đoàn kết, quan hệ hữu nghị, hợp tác với bạn bè quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

- Tích cực tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW); Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026; Chương trình hành động số 33-Ctr/TU ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh; Các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về văn hóa đối ngoại với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối ngoại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, quảng bá về An Giang; Quản lý, hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài đến hoạt động trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tranh thủ quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua phóng viên báo chí nước ngoài; Nâng cao chất lượng các ấn phẩm, sách báo giới thiệu về văn hóa, du lịch của tỉnh bằng nhiều ngôn ngữ quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế... Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, mạng xã hội...

2. Tăng cường triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

- Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh trên cơ sở gắn kết chặt chẽ các hoạt động văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại phục vụ mục tiêu phát triển và hội nhập.

- Mở rộng các hoạt động văn hóa đối ngoại của tỉnh với các nước khác trong khu vực ASEAN, đặc biệt là với các tỉnh giáp với tỉnh ta như Kandal, Takeo (Vương quốc Campuchia). Đồng thời, gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với vận động thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao của tỉnh.

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, xây dựng biểu tượng văn hóa và một số sản phẩm văn hóa của tỉnh mang thương hiệu quốc gia.

- Phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng internet, mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại.

- Thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại sau khi đại dịch COVID 19 được đẩy lùi, cụ thể:

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu, tư liệu hoá các nội dung, bản đồ di sản văn hoá tỉnh An Giang phục vụ cho công tác quản lý và quảng bá du lịch tỉnh nhà.

+ Thực hiện số hóa các hiện vật, hình ảnh, tư liệu tại Bảo tàng, tư liệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu bảo tàng phục vụ ứng dụng Bảo tàng thông minh trên các thiết bị di động.

 + Xây dựng hệ thống thư viện điện tử từ tỉnh đến huyện, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành thư viện.

3. Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh An Giang ra ngước ngoài dưới nhiều hình thức, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.

[...]