Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 832/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Quyết định 2013/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 832/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 832/KH-UBND

An Giang, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2013/QĐ-TTG NGÀY 30/11/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm

- Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mọi cơ chế, chính sách của ngoại giao văn hóa phải phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội và của các tầng lớp nhân dân, bao gồm đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

- Gắn kết Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với việc triển khai các chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, khoa học, giáo dục..., Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các văn bản được thông qua phù hợp với định hướng, chủ trương đường lối đối ngoại, chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước.

2. Mục tiêu

- Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương.

- Vận động mới, bảo vệ và phát huy các di sản, danh hiệu Việt Nam đã được quốc tế công nhận để vừa góp phần bảo tồn giá trị truyền thống vừa tạo thêm nguồn lực để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, vừa thể hiện trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hóa, tri thức của nhân loại; vận động để Việt Nam đăng cai các sự kiện quốc tế và khu vực về văn hóa, khoa học, giáo dục, thể thao, du lịch

- Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời bảo vệ các giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người An Giang

- Tổ chức các sự kiện như: biểu diễn giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh, các hội nghị, hội thảo về các hoạt động văn hóa… trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của bạn bè quốc tế đồng thời lồng ghép các hoạt động văn hóa vào các sự kiện lớn của tỉnh.

- Giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội mang tính đặc thù của tỉnh và quảng bá các giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch của địa phương thông qua các phương tiện truyền thông của tỉnh; xây dựng các chuyên mục, chuyên trang thông tin quảng bá hình ảnh của tỉnh với bạn bè các nước và kiều bào bằng nhiều ngôn ngữ; tăng cường số lượng đi đôi nâng cao chất lượng các tin, bài viết, ấn phẩm về văn hóa An Giang với bạn bè quốc tế.

- Sử dụng các gói combo quà tặng từ sản phẩm OCOP và các sản phẩm quà tặng du lịch của tỉnh làm quà tặng trong hoạt động đối ngoại nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc sản và nét đặc sắc của văn hóa tỉnh An Giang.

- Quan tâm, phát hiện và tạo điều kiện để các cá nhân trong tỉnh tham gia các cuộc thi khu vực, quốc tế trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục...; xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức cơ bản về văn hóa, ngoại giao văn hóa với những người đi lao động, học tập, công tác trung và dài hạn ở nước ngoài... góp phần xây dựng hình ảnh người Việt Nam có văn hóa, tôn trọng pháp luật và có hiểu biết về văn hóa bản địa.

- Thực hiện hiệu quả Chiến lược Văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh An Giang.

2. Vận động, đa dạng hóa và bảo tồn, phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế của Việt Nam

- Lồng ghép hiệu quả, thực chất việc bảo tồn và phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế đã được công nhận vào các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, hợp tác, đầu tư... của tỉnh qua đó thúc đẩy việc giới thiệu và quảng bá các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa của tỉnh; biến các danh hiệu này trở thành nguồn lực phát triển dựa trên việc bảo vệ các giá trị truyền thống và thiên nhiên tại các địa phương.

- Vận động công nhận mới các loại hình danh hiệu như: di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, khu dự trữ sinh quyền thế giới, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố vì học tập... và các danh hiệu quốc tế khác.

3. Gắn kết ngoại giao văn hóa với địa phương, người dân, doanh nghiệp và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài

- Gắn kết chặt chẽ Ngoại giao văn hóa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn của tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, tiềm năng và thế mạnh về hợp tác, đầu tư, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác với các thành phố địa phương trên thế giới.

- Phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm phục vụ người dân, góp phần phát triển con người toàn diện, giúp nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa, tạo cơ hội tốt để người dân trong nước tiếp xúc và hiểu hơn về nhiều nền văn hóa trên thế giới.

- Tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài được tiếp nhận thông tin, sản phẩm văn hóa từ trong nước để giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa Việt Nam ở sở tại; tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động về nguồn hướng đồng bào Việt Nam ở các nước về quê hương thông qua các hoạt động tham quan, tìm hiểu địa điểm văn hóa, lịch sử, chủ quyền của đất nước.

- Hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu năng lực, thế mạnh, giá trị văn hóa và định hình bản sắc văn hóa doanh nghiệp, từ đó tạo dựng niềm tin với các đối tác quốc tế; đồng thời gắn kết giữa các thương hiệu sản phẩm có chất lượng của Việt Nam với các yếu tố văn hóa đặc sắc của đất nước.

- Khuyến khích những người dân bản địa am hiểu sâu về văn hoá tại nơi cư trú tích cực tham gia giao lưu văn hoá cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ trang bị thêm một số kiến thức cơ bản về văn hoá nước ngoài cũng như phổ biến nhận thức cho người dân đối với tầm quan trọng trong việc tăng cường giá trị văn hoá ngoại giao, qua đó định hướng cách thức tuyên truyền đúng đắn, phù hợp nhất. Tạo điều kiện để người dân phát huy vai trò cốt yếu trong việc quảng bá bản sắc văn hoá địa phương.

4. Tăng cường nguồn lực

[...]