Quyết định 1721/QĐ-BNN-TCTL năm 2012 phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ do Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1721/QĐ-BNN-TCTL
Ngày ban hành 20/07/2012
Ngày có hiệu lực 20/07/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1721/QĐ-BNN-TCTL

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH THỦY LỢI CHỐNG NGẬP ÚNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2238/QĐ-BNN-KH ngày 20/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về quản lý quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xét văn bản góp ý số 5717/UBND-KT ngày 15/12/2010 và văn bản góp ý số 2918/UBND-KT ngày 03/8/2011 của UBND thành phố Cần Thơ;

Xét tờ trình số 184/TTr-VQHTLMN ngày 2 tháng 7 năm 2012 của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam kèm theo hồ sơ dự án “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ” do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lập;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi,

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ với các nội dung chính sau:

I. Phạm vi vùng quy hoạch

Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được giới hạn bởi sông Hậu về phía Đông Bắc, tỉnh Kiên Giang về phía Tây, tỉnh Hậu Giang về phía Nam và tỉnh An Giang về phía Tây Bắc với diện tích tự nhiên của thành phố là 140.100 ha.

II. Mục tiêu quy hoạch

- Đề xuất các giải pháp thủy lợi (công trình và phi công trình) nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan, sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân thành phố.

- Làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình chống ngập úng cho thành phố đến năm 2020.

III. Phương án quy hoạch

1. Tiêu chuẩn tiêu thoát nước:

- Tiêu cho vùng đô thị: Thời đoạn mưa thiết kế 90 phút, lượng mưa thiết kế với tần suất 10%, tại trạm Cần Thơ (tương ứng 86 mm).

- Tiêu cho nông nghiệp: Mưa 3 ngày lớn nhất, tiêu 5 ngày, tần suất 10% tại trạm Cần Thơ.

- Tổ hợp thiết kế tính toán chọn: Triều biển Đông 10% (tương đương năm 2001); lũ thiết kế năm 2000.

- Tính toán ứng phó với nước biển dâng theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Tiêu nước cho khu vực thành phố, khu đô thị và công nghiệp

2.1. Giải pháp công trình

Đầu tư xây dựng các công trình nhằm kiểm soát nước lũ, triều và tiêu úng bằng hệ thống đê bao, các cống dưới đê, van ngăn triều đồng thời kết hợp với các trạm bơm để tiêu nước ra sông.

Toàn bộ khu đô thị được phân thành 18 ô bảo vệ (chủ yếu theo kênh cấp I) với diện tích biến đổi từ 600 ha đến 4.300 ha. Trong đó bao lớn vùng trung tâm thành phố Cần Thơ, bao gồm quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy và một phần của quận Ô Môn và huyện Phong Điền với diện tích khoảng 17.700 ha theo các sông rạch chính là sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Tắc Ông Thục và kênh Ô Môn. Tổng diện tích khu đô thị được bảo vệ khoảng 48.000 ha.

2.2. Giải pháp phi công trình

- Đảm bảo dung tích trữ cho vùng đô thị (gồm diện tích ao, hồ, kênh rạch) tối thiểu là 10% đối với khu phát triển đô thị thuộc Quận Ninh Kiều, Quận Bình Thủy (theo Quy hoạch sử dụng đất thành phố Cần Thơ) và 20% đối với khu vực đô thị đang phát triển thuộc các Quận, Huyện còn lại trên địa bàn Thành phố.

- Tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn thời đoạn ngắn, giảm tải cho hệ thống thoát nước của Thành phố.

3. Tiêu nước cho đất trồng lúa

[...]