Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2022 về quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 29/04/2022
Ngày có hiệu lực 29/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 29 tháng 04 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2022-2025

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030";

- Các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 30/8/2016 phê duyệt Đề án"Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 2522/QĐ-BVHTTDL ngày 13/7/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Đề án phát triển Du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 ban hành kèm theo Quyết định 1339/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 của UBND tỉnh Ninh Bình.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của tỉnh Ninh Bình đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước; thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Đến năm 2023, hoạt động du lịch cơ bản phục hồi và phát triển trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,0 triệu khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP; tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên, trong đó có trên 9.200 lao động trực tiếp.

- Mỗi năm tổ chức hoặc tham gia ít nhất từ 03 đến 05 sự kiện du lịch Quốc tế được tổ chức ở trong nước, 01 đến 02 sự kiện du lịch ở nước ngoài, đón từ 05 đến 10 đoàn famtrip, presstrip, vlogger, blogger... trong và ngoài nước đến khảo sát du lịch Ninh Bình. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động marketing du lịch để đẩy mạnh truyền thông xây dựng thương hiệu và quảng bá, thu hút khách.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến, xúc tiến du lịch trong thời gian tới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong thời gian qua. Phát triển Hệ sinh thái du lịch thông minh và triển khai toàn diện công tác quảng bá, xúc tiến số trên Hệ thống thông tin số du lịch của tỉnh và trên các nền tảng số, các mạng xã hội lớn.

2. Yêu cầu

- Tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Ưu tiên đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh bằng chính chất lượng sản phẩm dịch vụ, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hiếu khách.

- Triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tiết kiệm nguồn lực và ngân sách nhà nước.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Ninh Bình. Đồng thời, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách du lịch, thúc đẩy các ngành lĩnh vực phát triển theo hướng xanh, bền vững.

III. NỘI DUNG

1. Hoạt động nghiên cứu thị trường và phát triển các sản phẩm du lịch

1.1. Nghiên cứu thị trường

Điều tra, thu thập thông tin về số lượt khách và số ngày lưu trú của khách; thông tin về mức chi tiêu và cơ cấu các khoản chi tiêu; thông tin về nhận xét, đánh giá của khách du lịch về cảnh quan môi trường du lịch, về điều kiện vật chất, dịch vụ, thái độ phục vụ khách, sự thân thiện của người dân Ninh Bình đối với khách du lịch của một số khách du lịch đại diện, từ đó nghiên cứu thị trường khách, xu thế của khách, tuổi, giới tính, nơi ở và thu nhập, quốc gia… để tham mưu các chiến lược tiếp cận quảng bá du lịch ở các thị trường tiềm năng đã xác định.

1.2. Tổ chức chương trình khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch (famtrip, presstrip)

- Mời các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, các công ty, doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế (đang hoạt động tại Việt Nam), các nhiếp ảnh gia nổi tiếng, các Streamer, Vlogger có sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube) đến tham quan, tìm hiểu các khu, điểm, sản phẩm du lịch của tỉnh để khảo sát, phát triển và quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh.

1.3. Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch

- Phân tích và đánh giá thực trạng hệ thống sản phẩm du lịch Ninh Bình: Rà soát và đánh giá thực trạng sản phẩm du lịch Ninh Bình hiện tại theo hai tiêu chí, cấu thành sản phẩm chung của điểm đến và sản phẩm theo các loại hình du lịch. Chú trọng xây dựng các sản phẩm dịch vụ có chất lượng, mang dấu ấn, đặc trưng riêng của tỉnh

- Nghiên cứu khả năng cạnh tranh và định vị sản phẩm du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước, khu vực và quốc tế: Phân tích và đánh giá hệ thống sản phẩm du lịch của các điểm đến du lịch cạnh tranh trong khu vực. Nghiên cứu điều tra tính cạnh tranh từ góc độ tiêu dùng. Tìm ra định vị hiện tại của sản phẩm du lịch Ninh Bình để có chiến lược cạnh tranh và quảng bá phù hợp.

- Tìm hiểu một số đặc điểm và nhu cầu thị trường khách quốc tế đối với sản phẩm du lịch Ninh Bình. Đề xuất giải pháp phát triển, làm mới sản phẩm truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, yếu tố văn hóa trong sản phẩm dịch vụ nhằm tăng cường tính cạnh tranh của các sản phẩm và điểm đến du lịch của tỉnh.

2. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Ninh Bình

[...]