Kế hoạch 83/KH-UBND về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2021
Ngày có hiệu lực 29/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021

Thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Kế hoạch số 07/KH-BCĐ ngày 06/11/2020 của Ban Chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138 Thành phố) về kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình.

b) 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị ARV.

c) 95% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế.

3. Các chỉ tiêu

a) 2.030 người nhiễm HIV mới được phát hiện năm 2021.

b) 80% người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm; 60% phụ nữ mại dâm được tiếp cận với chương trình bao cao su; 60% nam có quan hệ tình dục đồng giới tiếp cận với chương trình bao cao su và chất bôi trơn.

c) 6.500 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone hoặc Buprenorphine.

d) 70% người dân trong độ tuổi từ 15-49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

e) Hoàn thành 300 mẫu giám sát trọng điểm theo quy định của Bộ Y tế.

g) 17.000 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV).

h) 2.000 người nhiễm HIV bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV.

i) 80% bệnh nhân đang điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV trọng đó 95% bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng vi rút có kết quả tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế (< 1.000 Cp/ml).

k) 7.680 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP).

l) 6.572 bệnh nhân được cấp thuốc ARV qua nguồn bảo hiểm y tế.

m) 75% người nhiễm đang điều trị HIV/AIDS hoàn thành điều trị dự phòng Lao bằng INH, 92% bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV được điều trị đồng thời cả lao và ARV.

n) 98% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV.

o) 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV và xét nghiệm, chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ.

p) 100% cán bộ phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV

a) Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông

[...]