Kế hoạch 81/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025

Số hiệu 81/KH-UBND
Ngày ban hành 27/04/2021
Ngày có hiệu lực 27/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 27 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH HẬU GIANG 5 NĂM 2021-2025

Thực hiện Chương trình số 02/CTr-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025, như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025 phải được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, phát huy được lợi thế, tiềm năng và tận dụng những cơ hội trong phát triển nông nghiệp, đảm bảo nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

- Phát huy tính chủ động, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố để triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường, nhất là tập trung cho các nông sản chủ lực gồm lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phát triển sản xuất nông nghiệp đạt và vượt các chỉ tiêu được đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản (khu vực I) đạt 2,25%/năm; tỷ trọng khu vực I giảm còn 22% (giảm 4,53%).

- Giá trị sản xuất tăng bình quân 3%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông nghiệp 86,7%, lâm nghiệp 0,9%, thủy sản 12,4%. Trong nông nghiệp: Trồng trọt 75,5%, chăn nuôi 14,8%, dịch vụ nông nghiệp 9,7%. Trong thủy sản: khai thác 1,5%, nuôi trồng 98%, dịch vụ 0,5%. Sản lượng lúa đạt 1.200.000 tấn, thủy sản 98.690 tấn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 54.814 tấn, sản lượng trứng 170 triệu quả.

- Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã, trong đó số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đạt trên 20%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 10%. Phấn đấu công nhận thêm một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch 85%.

- Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 3%.

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Phát triển sản xuất

a) Tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi đạt năng suất, sản lượng, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành. Cụ thể:

- Cây lúa: Diện tích canh tác đến năm 2025 khoảng 76.000 ha, chuyển đổi khoảng 1.200 ha sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn; diện tích gieo trồng khoảng 186.000 ha (Đông Xuân 76.000 ha, Hè Thu 75.000 ha, Thu Đông 35.000 ha); sản lượng trên 1,2 triệu tấn/năm. Mở rộng vùng lúa chất lượng cao 35.000 ha theo tiêu chí cánh đồng lớn, sử dụng các giống lúa tốt, có chất lượng gạo ngon, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

- Cây mía: Năm 2025 duy trì diện tích trồng mía khoảng 3.500 ha, năng suất bình quân 110 - 120 tấn/ha. Sản lượng 350.000 tấn - 400.000 tấn, áp dụng cơ giới, tổ chức sản xuất theo chuỗi, hạ giá thành sản xuất mía. Chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.

- Cây ăn quả: Tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực của tỉnh và cấp mã số vùng trồng, trong đó xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) chiếm trên 10% diện tích; mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chiếm 15% diện tích. Tiếp tục cải tạo diện tích vườn tạp, chuyển đổi đất lúa xen vườn để hình thành vườn chuyên, đưa diện tích cây ăn trái toàn tỉnh lên 49.000 ha, sản lượng 572.000 tấn tăng 134.000 tấn so với năm 2020.

- Cây rau, màu: Diện tích 34.000 ha, tăng bình quân 6,86%/năm; sản lượng 459.000 tấn, tăng bình quân 8,53%/năm. Sản phẩm chủ yếu là bắp, bầu, bí, dưa, rau xanh các loại.

- Ngành chăn nuôi: Đến năm 2025 quy mô đàn trâu ổn định 1.845 con, đàn bò 4.425 con, đàn heo 156.000 con, đàn gà 1,611 triệu con, đàn thủy cầm 3,268 triệu con. Sản lượng thịt các loại 54.814 tấn và sản lượng trứng gia cầm đạt 170 triệu quả. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung theo hình thức gia trại, trang trại đạt 50% và kiểm soát được 100% đàn vịt chạy đồng.

- Ngành thủy sản: Phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tạo động lực tăng trưởng, diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 là 10.000 ha, tăng 1.970 ha so với năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản 98.690 tấn vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5% năm. Trong đó, tập trung phát triển nuôi thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (cá tra, cá thát lát, cá đồng, thủy đặc sản…), đa dạng hóa các đối tượng và hình thức nuôi cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; áp dụng quy trình nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết chuỗi để gắn kết các doanh nghiệp chế biến với các vùng nuôi.

[...]