Kế hoạch 8041/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2030

Số hiệu 8041/KH-UBND
Ngày ban hành 21/11/2023
Ngày có hiệu lực 21/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8041/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 21 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 509-CV/BCSĐ ngày 31/8/2023 về triển khai thực hiện Đề án số 17-ĐA/TU ngày 25/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Đề án nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2030); Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án số 17-ĐA/TU ngày 25/8/2023 của Tỉnh ủy; các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác dân vận phải thực sự hiệu lực, hiệu quả làm chuyển biến nhận thức, ý thức vươn lên của đồng bào, chấp hành thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tự lực phấn đấu vươn lên phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục vùng đồng bào dân tộc, miền núi của tỉnh, cải thiện đời sống của Nhân dân.

3. Kịp thời cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách so với bình quân chung của tỉnh; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2030

1. Có 100% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ của các Sở, ban, ngành, các cơ quan lực lượng vũ trang và địa phương (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị, địa phương) được học tập, quán triệt Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc.

2. Có 100% chính quyền địa phương tổ chức gặp gỡ, đối thoại để lấy ý kiến Nhân dân trước những vấn đề liên quan phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 100% chương trình, dự án đầu tư tại địa phương được công khai minh bạch, trong đó có ít nhất 90% người dân trong vùng dự án được biết, được bàn, được tham gia, được kiểm tra, giám sát.

3. Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 8%; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 100% số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

4. Có 100% công chức chuyên trách làm công tác dân vận được học tập, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận.

5. Có ít nhất 90% đồng bào được biết và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến chính sách dân tộc tại địa phương.

6. Trên 90% sinh viên hệ cử tuyển ở vùng đồng bào dân tộc miền núi được bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, lãnh đạo triển khai có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác dân vận chính quyền, trọng tâm là: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 21/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay”; Đề án số 17-ĐA/TU ngày 25/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2030; Chỉ thị số 06/CT- UBND ngày 12/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh; các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác dân vận chính quyền.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong thực hiện công tác dân vận ở cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín để thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận; tăng cường hoạt động kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương vùng đồng bằng với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện công tác dân vận chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; đổi mới nội dung, phương pháp vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, đặc thù; chú trọng phát huy vai trò của tổ dân vận thôn, làng trong tuyên truyền, vận động, giáo dục tại cộng đồng.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nhất là trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh môi trường, đáp ứng cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt và sản xuất.

- Thực hiện tốt việc niêm yết công khai các quy định, quy chế, văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức về thực hiện dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban dân vận cấp ủy; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, sát với đối tượng, vùng miền; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…

- Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; đổi mới hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp theo hướng hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân; thực hiện cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, thực chất, hiệu quả. Giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo về công tác dân vận và tuyên truyền chính sách dân tộc ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; cung cấp thông tin về các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5//2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân vận cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

3. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng chính quyền, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh

[...]