Kế hoạch 80/KH-UBND năm 2016 thực hiện Kết luận 02-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 80/KH-UBND
Ngày ban hành 12/07/2016
Ngày có hiệu lực 12/07/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lý Vinh Quang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 12 tháng 7 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 02-KL/TW NGÀY 26/4/2016 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA IX VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 612-TB/VPTU, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện và phân công tổ chức thực hiện.

Chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện, đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Chú ý yếu tố môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững trong phát triển kinh tế. Hình thành các thiết chế văn hóa, đạo đức, ứng xử thân thiện với môi trường.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài mà không có biện pháp giải quyết, khắc phục hiệu quả. Gắn các chỉ tiêu về môi trường vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

3. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Kiện toàn cơ cấu tổ chức của hệ thống quản lý nhà nước về môi trường. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã.

4. Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải lớn; tập trung giải quyết các vấn đề môi trường khu vực đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lưu vực sông, về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học,….Khoanh vùng, xử lý, cải tạo các khu vực bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

5. Sử dụng hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích nguồn chi sự nghiệp môi trường. Kết hợp tăng chi từ ngân sách nhà nước với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho bảo vệ môi trường. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Thực hiện nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “Người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”, coi đây là giải pháp mang tính đột phá để huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng từ nguồn ngân sách nhà nước.

6. Chú trọng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất và phát triển công nghệ môi trường; hạn chế phát triển mới và giảm dần các hoạt động kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo và giải quyết các vấn đề môi trường của tỉnh, tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực quốc tế cho bảo vệ môi trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chủ trì theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch; tổng hợp, định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện/thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường hàng năm trên địa bàn tỉnh; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm chi cho sự nghiệp môi trường.

Triển khai thực hiện các dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Dốc Mới 1, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng và tại thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn.

Xây dựng và trình phê duyệt Đề án tổ chức lại Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường thành Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Là cơ quan đầu mối thẩm định, trình phê duyệt dự án, quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án phải đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường; kiên quyết không trình phê duyệt các dự án, quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đến sức khỏe và môi trường.

[...]