Quyết định 77/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020

Số hiệu 77/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/01/2014
Ngày có hiệu lực 17/01/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lý Vinh Quang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 17 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học;

Căn cứ Quyết định số 545/QĐ-TTg ngày 09 tháng 05 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 132/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 17a/TTr-TNMT ngày 10 tháng 01 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, với nội dung chủ yếu sau:

I. Các nội dung chính của Quy hoạch

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo tồn và nâng cao tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý và phát triển các loài, sinh cảnh bị suy thoái; duy trì và phát triển các nguồn gen quý hiếm; bảo vệ tốt môi trường sinh thái, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh; xây dựng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2015:

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và người dân tại các khu bảo tồn thiên nhiên;

Củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống rừng đặc dụng, đẩy mạnh trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 54% - 55%; hạn chế các vụ xâm hại đến rừng như chặt phá, cháy rừng; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

Nghiên cứu, đề xuất thêm 02 mô hình khôi phục, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, bảo tồn nguồn gen quý dựa vào cộng đồng thông qua dự án “Nâng cao năng lực quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng”;

Điều tra, đánh giá chi tiết đa dạng sinh học phục vụ việc lập đề án các khu bảo tồn thiên nhiên.

2.2. Đến năm 2020:

Phát triển rừng bền vững, nâng độ che phủ của rừng lên 60%; giảm thiểu tối đa các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và các đe dọa khác đến đa dạng sinh học;

Hoàn thành quy hoạch các khu bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành hệ thống hành lang đa dạng sinh học để kết nối các hệ sinh thái; lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án khu bảo tồn thiên nhiên cấp Quốc gia đối với khu rừng đặc dụng Hữu Liên - Hữu Lũng; 100% các khu bảo tồn được điều tra, đánh giá mức độ đa dạng sinh học để làm cơ sở đề xuất xây dựng khu bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh;

Bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học nông nghiệp: 50% các nguồn gen cây trồng, vật nuôi nông nghiệp được điều tra, đánh giá; 50% các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các giống loài đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế được xây dựng chương trình bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững;

Sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật: 90% các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được đánh giá, thống kê đầy đủ, có kế hoạch hành động kiểm soát ngăn chặn; 90% các điểm nuôi, kinh doanh và tiêu thụ động vật hoang dã được quản lý và kiểm soát; 90% các loài động vật, thực vật quý hiếm đã điều tra tại các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh có hồ sơ theo dõi.

3. Nội dung Quy hoạch

[...]