Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 79/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2017
Ngày có hiệu lực 04/04/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Văn Quý
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 79/KH-UBND

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ VỚI BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030"; Quyết định số 1534/QĐ-LĐTBXH ngày 08/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Người có nguy cơ bị bạo lực và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, hướng tới xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực.

+ Từ năm 2017 đến năm 2020:

100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được can thiệp và hỗ trợ kịp thời; Có ít nhất 70% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tư vấn và có hình thức xử lý phù hợp theo quy định pháp luật.

+ Tầm nhìn đến năm 2030: Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn Thành phố, hướng tới xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực.

2. Yêu cầu

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương, đơn vị.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch, các địa phương, đơn vị nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác gắn với các Chương trình, Kế hoạch đã ban hành, đặc biệt là các địa phương, đơn vị, tổ chức có tình trạng bạo lực trên cơ sở giới xảy ra nhiều hoặc có nguy cơ cao (bao gồm nhóm có nguy cơ cao gây bạo lực và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực).

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Truyền thông vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hướng tới cam kết chặt chẽ về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và chuyển đổi hành vi của người dân về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới và ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội

- Tổ chức các hoạt động truyền thông về ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội, về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp tình hình thực tế các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Triển khai chiến dịch truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú trong "Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm); "Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” (tháng 6 hàng năm) và Ngày Quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (ngày 25/11 hàng năm).

- Xây dựng chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Sản xuất, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng tự kiểm soát bản thân đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực; kỹ năng phòng chống bạo lực đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới.

- Xây dựng mạng lưới người có ảnh hưởng trong xã hội để truyền tải thông điệp về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Tuyên truyền, giáo dục về phòng ngừa bạo lực trên môi trường mạng, bắt ép phụ nữ kết hôn vì lý do kinh tế và phân biệt đối xử vì lý do giới tính.

- Tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới như nhà tạm lánh tại cộng đồng, dịch vụ chăm sóc tối thiểu và tư vấn cho người gây bạo lực tại cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, số điện thoại đường dây nóng...; mô hình Thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; mô hình Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực.

2. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

- Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, người cung cấp dịch vụ và đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Triển khai thực hiện các tiêu chí về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực; mô hình Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng; Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; kết nối dịch vụ hỗ trợ nạn nhân; chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở y tế.

- Tiến hành thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới

[...]