Kế hoạch 776/KH-UBND năm 2020 về phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 776/KH-UBND
Ngày ban hành 25/12/2020
Ngày có hiệu lực 25/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 776/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 25 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2020-2025

Căn cứ Quyết định số 2078/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 01/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành quy định quản lý khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Căn cứ Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 01/02/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035;

Căn cứ Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 01/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030.

Thực hiện Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án ‘‘Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035” (sau đây viết tắt là Đề án), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2020-2025 (sau đây viết tắt là Kế hoạch) với nội dung cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN

1. Lĩnh vực Nông, lâm nghiệp

Giai đoạn năm 2016-2020, tỉnh Bắc Kạn thực hiện cơ cấu lại các lĩnh vực trong sản xuất thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được những thành tựu quan trọng, như:

(1) Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP tỉnh Bắc Kạn được bắt đầu triển khai từ năm 2018. Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã kiện toàn bộ máy tổ chức theo phân cấp; ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm (2018-2020) triển khai thực hiện chương trình OCOP toàn tỉnh có 131 sản phẩm được công nhận, xếp hạng đạt 3 sao trở lên, vượt so với mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020 (đạt 263% kế hoạch) và đã hoàn thành kế hoạch trước 01 năm, được vinh danh là tỉnh đầu tiên của cả nước đã thành lập được Hội Doanh nhân OCOP với 93 hội viên tham gia. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP tăng doanh thu từ 1,1 lần-2 lần so với khi chưa tham gia Chương trình.

Một số sản phẩm nông sản mang tính đặc thù của địa phương bước đầu được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến, như: Sản phẩm gạo nếp Khẩu nua lếch huyện Ngân Sơn, gạo Bao thai huyện Chợ Đồn được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bước đầu có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và tổ chức sản xuất theo hợp tác xã; sản phẩm miến dong Bắc Kạn được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp Quốc gia được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng; sản phẩm mơ vàng Bắc Kạn với diện tích trồng hơn 630ha và trong 3 năm, từ 2018 đến nay có khoảng 2.000 tấn mơ nguyên liệu đã được đưa vào chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

(2) Lĩnh vực chăn nuôi, đã từng bước phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy mô gia trại, trang trại, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học; hiện nay, trên địa bàn có 09 trang trại, 30 Tổ hợp tác, 05 hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm, 02 doanh nghiệp chăn nuôi đang phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm đầu ra đạt hiệu quả kinh tế cao và dự kiến mở rộng quy mô chăn nuôi trong thời gian tới.

(3) Về lâm nghiệp, với hơn 32.700 ha rừng nguyên liệu gỗ được trồng mới trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có 17.600 ha rừng trồng gỗ lớn, đã đưa tổng diện tích rừng trồng của tỉnh lên khoảng 100.000 ha; thực hiện cải tạo chất lượng và nâng cao giá trị rừng trồng bằng các giải pháp cấp chứng chỉ rừng FSC-CoC (chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, cấp cho các tổ chức đã chứng minh được các sản phẩm gỗ có nguồn gốc được chứng nhận) cho các chủ rừng với tổng diện tích gần 1.000 ha; từng bước chuyển từ khai thác gỗ tự nhiên là chủ yếu nay thực hiện sang trồng rừng kinh tế, tỉa thưa, chăm sóc kéo dài chu kỳ khai thác để tăng sản lượng giá trị gỗ rừng, trồng cây bản địa, dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có tỷ lệ che phủ khoảng 72,6% cao nhất toàn quốc, tỷ lệ che phủ này không chỉ mang lại những tác động tích cực về môi trường của Bắc Kạn mà còn đóng góp chung gìn giữ môi trường của cả nước.

(4) Lĩnh vực phát triển nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự ước hết năm 2020 có thêm 04 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 23 xã, đạt 104% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, qua thực hiện người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới đã nhiệt tình tham gia, tạo sự chủ động, sáng tạo, vươn lên phát triển kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 154 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tăng 3 lần so với năm 2015; hoạt động của các HTX đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên.

Tuy nhiên, trong những năm qua giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp chưa có sự đột phá, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến chưa nhiều, quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tốc độ chuyển dịch nội bộ ngành còn chậm, việc người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn để phát triển các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực còn hạn chế; sản lượng mỗi loại sản phẩm chưa nhiều, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng chưa cao, đa phần các sản phẩm nông sản chủ yếu bán ở dạng tươi sống, chưa qua chế biến, mẫu mã bao bì thô sơ chưa được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định còn chiếm tỷ lệ cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Thực tế rà soát tại các địa phương cho thấy, với lợi thế, tiềm năng phát triển của một số cây trồng vật nuôi bản địa đã được các địa phương quan tâm và hỗ trợ người dân mở rộng quy mô thành vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật để liên kết sản xuất hàng hóa nhưng chưa có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm nông sản đặc thù gắn với phát triển du lịch để thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm và quảng bá sản phẩm nông sản bản địa cho địa phương.

Bên cạnh đó việc phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 03 nghề truyền thống, 32 làng nghề cần được bảo tồn và phát triển, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa có làng nghề, làng nghề truyền thống nào được công nhận.

2. Lĩnh vực du lịch

Trong những năm qua du lịch Bắc Kạn tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chưa có chuyển biến tích cực và đột phá, chưa đạt được mục tiêu đề ra, cụ thể:

- Số lượng khách du lịch khách du lịch đến Bắc Kạn bình quân hàng năm giai đoạn 2015 - 2019 đã có mức tăng trưởng đáng kể, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm (trong đó: năm 2016 tăng 11% so với năm 2015; năm 2017 tăng 13% so với năm 2016; năm 2018 tăng 10% so với năm 2017; năm 2019 tăng 10% so với năm 2018). Tổng doanh thu từ khách du lịch thực hiện năm 2019 đạt 348,639 tỷ đồng, bằng 48% số mục tiêu của năm 2020 (mục tiêu là 725 tỷ đồng). Riêng năm 2020 là năm đặc thù do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội, ngành dịch vụ thương mại nói riêng trong đó có ngành du lịch tăng trưởng rất thấp.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 219 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó có 26 khách sạn, 59 nhà nghỉ du lịch và 134 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với tổng số 1.978 phòng, buồng và 3.500 giường; khoảng 1.850 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc, xông hơi massage, Karaoke...); có 09 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng đa số hoạt động kinh doanh đa ngành, chỉ có 02 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành du lịch nội địa.

- Hạ tầng phục vụ du lịch: Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như: Cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa (tạm thời) cho 06 bến thuộc khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể; công bố tuyến đường thủy nội địa địa phương Sông Năng - Hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn có chiều dài 29 km. Đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gồm các dự án đầu tư, cải tạo đường giao thông, nhà hàng, khách sạn và các điểm đón tiếp khách du lịch. Hiện nay, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể, dự án đã được cấp kinh phí 748,14 tỷ đồng, hiện đang triển khai các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2021.

- Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đang hoạt động đón khách du lịch gồm 6 điểm, gồm: Khu du lịch Ba Bể, Khu du lịch sinh thái Nà Khoang, Động Nàng Tiên, Động Hua Mạ, Khu di tích lịch sử ATK Chợ Đồn. Ngoài ra còn có các điểm di tích lịch sử, các đền, chùa (điểm du lịch tâm linh) cũng đã thu hút được một số lượng khá đông du khách. Công tác quản lý các khu, điểm du lịch từng bước được quan tâm: Thành lập Ban quản lý tại các khu du lịch, khu di tích để quản lý; ban hành quy định quản lý khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Công tác thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch: Hiện tại, UBND tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư vào lĩnh vực du lịch cho 5 dự án. Ngoài ra, còn có các dự án hiện đang đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và đô thị sinh thái của Công ty cổ phần tập đoàn FLC và dự án chuỗi du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm Bắc Kạn của Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Dự án Tổ hợp dịch vụ, thương mại, du lịch sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Onsen Ba Bể ; hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các dự án tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử trong khu di tích ATK Chợ Đồn.

- Về sản phẩm du lịch: Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... Song song, với việc phát triển sản phẩm du lịch, các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; khai thác chương trình du lịch về nguồn, về các điểm di tích lịch sử - cách mạng (ATK Chợ Đồn, Đèo Giàng, Phủ Thông); phục dựng và bảo tồn một số lễ hội, nghề truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể khác, bảo tồn các bản làng còn mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc để xây dựng các chương trình tham quan hấp dẫn, đặc trưng. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã xây dựng 03 Đề án về lĩnh vực du lịch gồm: Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn; Đề án phát triển sản phẩm phục vụ du lịch thông minh “ứng dụng hệ thống thông tin Bắc Kạn” và Đề án “Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2025” tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới.

[...]