Quyết định 2732/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035

Số hiệu 2732/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2019
Ngày có hiệu lực 31/12/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2732/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2035

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

Căn cứ Quyết định số: 2078/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số: 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XI) về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 188/TTr-SNN ngày 30/12/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035, đảm bảo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhanh tỉnh; các hội, hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội; Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thị Minh Hoa

 

ĐỀ ÁN

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2035

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Căn cứ Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ngày 26/4/2016, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số: 04-NQ/TU về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch hành động số: 06/KH-UBND ngày 08/01/2016 về việc thực hiện Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số: 851/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020.

Sau 04 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp thể hiện trên các mặt: Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng gia trại, trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn, đến hết năm 2019 tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,6%; nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là các nông sản bản địa bước đầu được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, như giá trị gia tăng trong sản xuất thấp; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, thiếu ổn định; trình độ sản xuất không đồng đều, chất lượng, mẫu mã sản phẩm thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như: Sử dụng các loại giống cho ra các sản phẩm có ưu thế trên thị trường, kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất có liên kết theo chuỗi giá trị gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích canh tác còn thấp. Công nghiệp chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch phát triển chậm. Thu nhập của người lao động khu vực nông, lâm nghiệp thấp và chịu nhiều rủi ro so với lao động ở các khu vực kinh tế khác...

Để khắc phục những hạn chế đang tạo thành điểm nghẽn trong phát triển đối với ngành nông nghiệp và lấy cơ cấu ngành nông nghiệp làm trọng tâm để phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn 2020 - 2025 thì yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển là hết sức cần thiết.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nghị định số: 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Quyết định số: 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

[...]