Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 77/KH-UBND về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 77/KH-UBND
Ngày ban hành 10/01/2022
Ngày có hiệu lực 10/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/KH-UBND

Hải Dương, ngày 10 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Văn bản số 1889/TTCP-KHTH ngày 26/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022;

UBND tỉnh Hải Dương xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác PCTN.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN.

- Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp PCTN; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp PCTN theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi, vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định pháp luật; kịp thời ngăn chặn, xử lý, đẩy lùi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Triển khai đầy đủ và cụ thể hóa các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về PCTN, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương (sau đây viết tắt là cơ quan, đơn vị).

- Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên, lâu dài và là một trong các tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm; gắn PCTN với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng văn hóa công sở, văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên; bảo đảm việc tham gia tích cực của quần chúng nhân dân trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCTN

- Các cấp, các ngành chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCTN, trong đó chủ động nắm bắt tình hình và tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCTN; thực hiện đồng bộ các quy định về phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật; chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác PCTN của cơ quan, đơn vị mình có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó phải xác định rõ nội dung, yêu cầu, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể.

- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN

- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh bằng các hình thức phong phú, đa dạng; gắn với các cuộc vận động lớn trên địa bàn tỉnh và việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị mình, đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN, qua đó nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân đối với công tác PCTN.

3. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, đơn vị

Tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

3.1. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị

- Nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Công tác cán bộ; quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; đầu tư và mua sắm tài sản công; đất đai, tài nguyên; giáo dục đào tạo; y tế,…

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tự kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình và đơn vị trực thuộc để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chủ động rà soát, tổng hợp hồ sơ công khai để phục vụ việc kiểm tra, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng hằng năm.

3.2. Rà soát, xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, xuyên suốt để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ làm cơ sở thực hiện hiệu quả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác PCTN.

- Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc xây dựng, ban hành, thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ và xử lý kịp thời người có hành vi vi phạm.

3.3. Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn

[...]