Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2018

Số hiệu 77/KH-UBND
Ngày ban hành 24/07/2017
Ngày có hiệu lực 24/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 24 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2017 - 2018

Năm 2016, chỉ số PCI của tỉnh Hậu Giang đứng vị trí thứ 37/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, giảm 01 bậc so với năm 2015, đứng vị trí thứ 8/13 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng 01 bậc so với năm 2015, nằm trong nhóm hạng khá. Qua kết quả trên cho thấy, từ năm 2012 đến nay, thứ hạng PCI của tỉnh có khuynh hướng giảm. Tuy nhiên, trong công tác chỉ đạo, điều hành đã có những chuyển biến tích cực như: những kiến nghị của nhà đầu tư được xử lý kịp thời, triệt để; các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý… Tổng số điểm PCI của tỉnh Hậu Giang năm qua đạt 57,82/100 điểm, giảm 0,51 điểm so với năm 2015. Trong 10 chỉ số thành phần có 05 chỉ số thành phần tăng điểm (chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý), 05 chỉ số thành phần giảm điểm (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp).

Để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017 - 2018, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn để thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng nhằm nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

2. Yêu cầu:

a) Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp phát triển.

b) Sở, ban, ngành được giao là cơ quan đầu mối thực hiện cải thiện điểm số và thứ hạng từng chỉ số thành phần PCI có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp tốt với cơ quan đầu mối và chịu trách nhiệm đối với chỉ tiêu thuộc lĩnh vực phụ trách.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:

1. Mục tiêu:

Phấn đấu chỉ số PCI năm 2017, năm 2018 của tỉnh nằm trong nhóm có chất lượng điều hành “tốt” so với cả nước, trong đó tập trung thực hiện tốt nội dung sau:

a) Tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số sụt giảm trong năm 2016 như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp.

b) Duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số tăng điểm như: chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

2.1. Chỉ số gia nhập thị trường: đây là chỉ số sụt giảm điểm cao nhất trong năm 2016 (giảm 1,25 điểm), mục tiêu năm 2017 phấn đấu tăng tối thiểu 1 điểm (đạt từ 8,98 điểm trở lên).

a) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối phụ trách chỉ số này, trong đó tập trung triển khai các nội dung sau:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Quy định trình tự, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đăng ký thành lập doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Rà soát, cắt giảm và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như: cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, cấp Giấy chứng nhận đầu tư...

- Rà soát, cập nhật và niêm yết công khai thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa và Trang thông tin điện tử của đơn vị.

b) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cắt giảm và rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp (lưu ý rút ngắn thời gian xác định giá đất, thời gian hoàn thành hồ sơ đo đạc lược đồ các thửa đất...).

c) Giao Sở Tư pháp thường xuyên kiểm soát thủ tục hành chính, cập nhật dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính; kiểm tra việc tuân thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, nhất là việc đăng tải thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và địa phương để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

d) Giao sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố:

- Bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo cán bộ công chức tại bộ phận một cửa hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ việc thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thái độ phục vụ luôn nhiệt tình và thân thiện; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ tại bộ phận một cửa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa.

- Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1530/QĐ-UBND ngày 13/10/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 08/5/2017 của UBND tỉnh về khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

[...]