Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 75/KH-UBND năm 2023 về phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025

Số hiệu 75/KH-UBND
Ngày ban hành 05/01/2023
Ngày có hiệu lực 05/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 05 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 2596/QĐ-UBND ngày 12/9/2021 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 2702/KH-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3539/QĐ-UBND ngày 02/12/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 29-KL/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025; nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thu hút, phục hồi nguồn lao động phục vụ ngành du lịch sau dịch COVID-19, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 411/TTr-SVHTTDL ngày 19/12/2022; ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2115/LĐTBXH-GDNN ngày 24/9/2022; Sở Tài chính tại Công văn số 2572/STC-HCSN ngày 26/9/2022; Sở Nội vụ tại Công văn số 2433/SNV-CCVC ngày 29/11/2022; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch đến năm 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm phát triển nguồn lao động du lịch đảm bảo về số lượng và chất lượng, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm du lịch, các dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch của tỉnh.

- Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao vai trò, kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng hướng tới mục tiêu chuẩn hóa chất lượng đào tạo kỹ năng nghề du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.

2. Yêu cầu

Công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động du lịch phải gắn với nhu cầu lao động ngành du lịch đến năm 2025 và đáp ứng được yêu cầu của từng vị trí việc làm.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO, TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG

1. Quản lý, nhân viên đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch như: lữ hành, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch; vận chuyển khách du lịch; cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi chung là đơn vị kinh doanh du lịch).

2. Các hộ kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch.

3. Đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch.

4. Học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở và tương đương trở lên trên địa bàn tỉnh.

III. THỰC TRẠNG NGUỒN LAO ĐỘNG NGÀNH DU LỊCH HIỆN NAY, DỰ BÁO NHU CẦU LAO ĐỘNG NGÀNH DU LỊCH ĐẾN NĂM 2025

1. Thực trạng nguồn lao động khối doanh nghiệp du lịch

- 02 năm qua (2020 - 2021), ngành du lịch tỉnh Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh; doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động; có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm.

- Tuy nhiên, sau những hoạt động nỗ lực phục hồi ngành du lịch, kết quả hoạt động du lịch năm 2022 ước đạt 4.746.000 lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: khách quốc tế ước đạt 634.000 lượt, tăng 36 lần so với cùng kỳ năm 2021, khách nội địa ước đạt 4.112.000 lượt, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm 2021.

- Hiện nay, tổng số lao động ngành du lịch đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch khoảng 11.000 lao động, giảm hơn 40% so với năm 2019 (18.000 lao động). Lực lượng lao động đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch cụ thể: Lao động trong lĩnh vực lưu trú chiếm khoảng 70% tương đương 7.700 người; trong đó: lĩnh vực Lữ hành - Vận chuyển chiếm 5,5% tương đương 605 người; lĩnh vực nhà hàng, sân golf và các dịch vụ khác chiếm 24,5% tương đương 2.695 người. Hiện nay, lực lượng lao động nòng cốt tại các doanh nghiệp gồm các cấp quản lý, trưởng bộ phận hoặc nhân viên có kinh nghiệm và đã qua đào tạo được doanh nghiệp giữ hoặc quay lại làm việc chiếm khoảng 40% tương đương khoảng 4000 người. Lao động còn lại các doanh nghiệp sau khi mở cửa hoạt động đều phải tuyển lao động lại và tự đào tạo tại chỗ.

- Ngoài ra, lực lượng lao động trong ngành du lịch bao gồm đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và người dân tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng cần được bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý du lịch; bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành du lịch... góp phần nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch.

Bảng 1. Thực trạng về lao động ngành du lịch hiện nay: (ĐVT: người)

Stt

Lao động ngành du lịch phân theo các lĩnh vực

Năm 2022

Tỷ lệ

1

Lĩnh vực lưu trú

7.700

70%

2

Lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên

605

5,5%

3

Lĩnh vực nhà hàng, các khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác

2.695

24,5%

 

Tổng cộng

11.000

100%

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam

2. Dự báo nhu cầu lao động phục vụ ngành du lịch từ năm 2023 đến năm 2025

- Căn cứ các chỉ tiêu dự báo về lượt khách, lao động, số lượng phòng theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy đến năm 2025, cụ thể là: Quảng Nam đón 12.000.000 lượt khách; lao động trực tiếp ngành du lịch là 23.000 người; tổng số phòng lưu trú là 22.000 phòng. Tuy nhiên, thực tế trong 2 năm qua (năm 2020 - 2021) do tác động dịch bệnh nên ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề nên các chỉ tiêu dự báo sẽ bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, khởi đầu năm 2022 cùng với sự kiểm soát được dịch bệnh và những nỗ lực phục hồi phát triển ngành du lịch của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã đem lại kết quả khả quan cho ngành du lịch của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.

- Theo đăng ký đầu tư các dự án cam kết hoàn thành trước năm 2025, dự kiến đến năm 2025 có thêm khoảng 7.000 phòng lưu trú, 23.000 lao động được phân theo từng lĩnh vực như sau:

Bảng 2. Dự báo nhu cầu lao động phục vụ ngành du lịch theo các lĩnh vực du lịch: (ĐVT: người)

Stt

Nhu cầu lao động ngành du lịch đến năm 2025

Giai đoạn 2023-2025

2023

2024

2025

1

Lĩnh vực lưu trú

10.500

12.600

16.100

2

Lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên

830

990

1.265

3

Lĩnh vực nhà hàng, các khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác

3.670

4.410

5.635

 

Tổng cộng

15.000

18.000

23.000

[...]