Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2022 thực hiện “Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030” giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 198/KH-UBND
Ngày ban hành 19/09/2022
Ngày có hiệu lực 19/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 198/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 19 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2030” GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; triển khai Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt “Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030”. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030” giai đoạn 2022 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 trong giai đoạn 2022 - 2025, thực hiện hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo như mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 27/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững cho Nhân dân, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương; đồng thời phát triển du lịch làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 theo đúng tiến độ;

Đẩy mạnh huy động và sử dụng có hiệu quả tổng hợp các nguồn lực từ Nhà nước và toàn xã hội để tập trung đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, con người để phát triển du lịch nhanh và bền vững. Thúc đẩy xã hội hóa về du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

2. Yêu cầu

Chủ động triển khai kế hoạch một cách đồng bộ, đảm bảo công tác phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ và tạo thuận lợi nhất cho du lịch phát triển;

Các nội dung hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả; khai thác, phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch để phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh gắn với phát huy giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển du lịch bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch đồng bộ hiện đại, các dự án phát triển khu, điểm du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu và sức cạnh tranh, tạo bước đột phá với chất lượng dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo, chuyên nghiệp và giàu bản sắc văn hóa.

Phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, xây dựng Lạng Sơn trở thành điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp du lịch. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch được đơn giản hóa, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức cá nhân đầu tư kinh doanh, phát triển sản phẩm du lịch,thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2025 du lịch Lạng Sơn phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng:

- Thu hút 4,4 triệu lượt khách trong đó có 900 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và 3,5 triệu lượt khách du lịch nội địa.Tổng thu từ du lịch đạt 5.200 tỷ đồng, đóng góp 6,8% GRDP của tỉnh.

- Về cơ sở lưu trú du lịch, toàn tỉnh có 5.400 buồng lưu trú, trong đó có 1.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao. Đến năm 2025 thu hút được 15.200 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp.

- Khu, điểm du lịch: có 01 khu du lịch quốc gia (khu du lịch Mẫu Sơn); 03 khu du lịch cấp tỉnh[1]; có 09 điểm du lịch mới[2]; có 06 điểm du lịch cộng đồng mới[3].

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xác định kinh tế du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao và nội dung văn hoá sâu sắc, có khả năng tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo phát triển du lịch cấp tỉnh và cấp huyện. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thành phố theo hướng tinh gọn, đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý du lịch.

Quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư về du lịch đã và đang đầu tư tại tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, công tác quy hoạch, phát triển du lịch. Tập trung cao cho công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá, áp dụng công nghệ du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch mang biểu trưng, độc đáo, hấp dẫn của tỉnh.

Nâng cao năng lực, trình độ, chất lượng cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; hiệu lực,hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh;xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch; bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về quản lý hoạt động du lịch. Yêu cầu đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến quảng bá, quản lý chất lượng sản phẩm du lịch, quản lý môi trường… để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Lạng Sơn.

2. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút, đầu tư phát triển du lịch

[...]