Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 726/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 726/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2022
Ngày có hiệu lực 29/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Lê Hải Hòa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 726/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 29 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ; gắn kết Chiến lược Ngoại giao văn hóa với việc triển khai các chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, khoa học, giáo dục…, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các văn bản được thông qua phù hợp với định hướng, chủ trương đường lối đối ngoại, chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước.

- Làm cơ sở cho các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện công tác ngoại giao văn hóa một cách thống nhất, đồng bộ để ngoại giao văn hóa trở thành trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh, đồng thời có tác động tích cực tới các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động của ngoại giao văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng đến bạn bè quốc tế; đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa của địa phương.

- Tiếp tục đổi mới sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt trong triển khai, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ làm phong phú nội dung, hình thức của các hoạt động ngoại giao văn hóa.

- Tạo đồng thuận trong nhận thức và hành động của các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về hoạt động ngoại giao văn hóa của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa phải bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của đất nước đã được các kỳ Đại hội, nhất là Đại hội XIII của Đảng đề ra, cụ thể là: “phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”“phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; các chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), Hội nghị đối ngoại toàn quốc (ngày 14/12/2021).

- Bám sát Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Huy động mọi chủ thể và nguồn lực triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa một cách linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả và thích ứng với bối cảnh, tình hình thực tế, trong đó người dân, doanh nghiệp vừa là đối tượng thụ hưởng - trung tâm phục vụ, vừa là đối tượng tham gia triển khai Chiến lược, được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại giao văn hóa của tỉnh.

- Thực hiện ngoại giao văn hóa một cách chủ động, tích cực, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm và tránh hình thức.

- Có phương thức phù hợp giới thiệu hình ảnh, bản sắc văn hóa truyền thống, tiềm năng, thế mạnh của đất nước, con người Việt Nam và tỉnh Cao Bằng.

- Xác định ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của các tổ chức Đảng, cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, từ tỉnh, huyện tới cơ sở, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mọi cơ chế, chính sách của ngoại giao văn hóa phải phát huy tính chủ động, tính sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội và của các tầng lớp nhân dân, bao gồm đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu của công tác ngoại giao văn hóa là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng với các đối tác nước ngoài đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế của tỉnh thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam và của tỉnh Cao Bằng, tiếp thu tinh hoa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

2. Các mục tiêu cụ thể

- Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ, lòng tin giữa tỉnh Cao Bằng với các các địa phương, các tổ chức nước ngoài. Đặt mục tiêu đến năm 2030, tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa có quy mô lớn, các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Việt Nam, Ngày Văn hóa Việt Nam tại Quảng Tây, Trung Quốc.

- Hội nhập một cách chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các Hội nghị, hội thảo; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, giúp người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, nâng cao chất lượng lao động và chất lượng thụ hưởng.

- Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói riêng, Cao Bằng nói chung, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề quốc tế để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa đặc trưng của Cao Bằng; quan tâm mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Cao Bằng; xây dựng Cao Bằng trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương.

- Vận động mới, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản đã được quốc tế công nhận, ghi danh, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng; xây dựng hồ sơ mở rộng Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng; tiếp tục tăng cường tham gia các hoạt động hợp tác, chia sẻ học tập kinh nghiệm xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu trong nước và quốc tế.

- Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và của tỉnh, đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời bảo vệ các giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước.

III. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của ngoại giao văn hóa với công tác đối ngoại và sự phát triển, hội nhập quốc tế của tỉnh Cao Bằng

[...]