Kế hoạch 720/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 720/KH-UBND
Ngày ban hành 02/11/2023
Ngày có hiệu lực 02/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Hồ Văn Mười
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 720/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 02 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 168/NQ-CP NGÀY 11/10/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐẾN NĂM 2030

Trong thời gian qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo bước chuyển biến rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra trên một lĩnh vực, nhất là quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý vốn đầu tư xây dựng; công tác tuyển dụng, tổ chức cán bộ và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp... Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; tổ chức bộ máy còn chồng chéo, chưa tinh gọn, hoạt động chưa hiệu quả; một số cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sự tham gia của xã hội trong PCTN, TC còn hạn chế,...

Trong thời gian tới, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tham nhũng sẽ diễn biến phức tạp, tinh vi. Công cuộc PCTN, TC sẽ có những khó khăn, thách thức mới. Kế thừa những kết quả đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC. Thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia PCTN, TC đến năm 2030 với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể

- Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh về quản lý hành chính, kinh tế, tài chính, tài sản công,... để khắc phục những sơ hở, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

- Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính.

- Tăng cường các biện pháp phòng ngừa; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

- Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, truyền thông; huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong công tác PCTN, TC.

- Triển khai kịp thời các chương trình hợp tác quốc tế trong PCTN gắn với thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định công tác PCTN, TC là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên, lâu dài; được tiến hành kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; không có ngoại lệ; không có vùng cấm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm; xác định các giải pháp phòng ngừa là chính, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá.

- Gắn PCTN, TC với kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

III. CÁC NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC

a) Đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

b) Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính.

c) Đề xuất khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện.

d) Rà soát, đề xuất cụ thể hóa quy định về trách nhiệm thủ trưởng các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN, TC ở các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách.

2. Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

a) Rà soát, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý đảm bảo minh bạch và trách nhiệm cao, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả.

b) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

c) Thực hiện nghiêm cơ chế, quy định khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

[...]