Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 68/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 68/KH-UBND
Ngày ban hành 27/03/2017
Ngày có hiệu lực 27/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, GIAI ĐOẠN TỪ 2017 - 2020

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện giai đoạn 2017 - 2020, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn từ 2017 - 2020 phù hợp với tình hình của địa phương nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Trong đó, chú trọng việc ngăn chặn các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường giám sát việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.

2. Hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

3. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng; nâng cao trách nhiệm, vai trò và sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông và mọi công dân trong PCTN.

II. YÊU CẦU

1. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công tác PCTN.

2. Xây dựng lực lượng cán bộ, công chức trong khối Nội chính, cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng đủ mạnh, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp vững vàng làm nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

3. Phòng, chống tham nhũng phải gắn liền việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể của địa phương, hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, minh bạch, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.

4. Cần đặt quá trình PCTN trong điều kiện hội nhập; tiếp thu và chọn lọc kinh nghiệm của các địa phương trong nước và nước ngoài trong công tác PCTN.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chiến lược và các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chiến lược quốc gia PCTN cần tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản đề ra tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ:

- Tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện pháp luật;

- Nâng cao chất lượng thực thi công vụ và đạo đức công chức;

- Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch;

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng;

- Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong PCTN.

2. Các nhóm giải pháp

a) Tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện pháp luật

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan theo các nội dung được quy định tại Luật PCTN sửa đổi, bổ sung và các văn bản quy định khác có liên quan.

- Tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, nhất là các văn bản liên quan đến đầu tư, quản lý đất đai, đền bù thu hồi đất, khoáng sản, sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm tài sản công, cải cách hành chính, an sinh xã hội,...

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thực hiện rà soát, thay thế, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Cơ quan Thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc công khai, minh bạch trong các hoạt động nhằm chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, góp phần phòng ngừa tham nhũng phát sinh.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động gắn với việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trong đơn vị.

- Thực hiện tốt việc công bố công khai kết quả xử lý hành chính, hình sự các vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn và người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra tham nhũng; công khai, minh bạch các kết luận thanh tra, quyết định điều tra, truy tố, xét xử.

[...]