Nghị quyết 90/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An

Số hiệu 90/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2022
Ngày có hiệu lực 10/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Văn Được
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/NQ-HĐND

Long An, ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TIÊU CỰC TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Thực hiện Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Đoàn giám sát về “công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An”;

Xét Tờ trình số 1084/TTr-HĐND, ngày 06 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An, Báo cáo thẩm tra số 1091/BC-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2022 và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với kết quả giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh nêu tại Báo cáo số 1071/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2022 và nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh

1.1. Thời gian qua các quy định của pháp luật về PCTN, TC được lãnh đạo cơ quan tư pháp thực hiện có hiệu quả. Các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác PCTN, TC được triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức (CBCC) với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện của từng đơn vị (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các đảng bộ, chi bộ cơ sở, sinh hoạt đoàn thể, bản tin nội bộ, qua sinh hoạt chào cờ hàng tuần..góp phần nâng cao nhận thức của CBCC đối với công tác đấu tranh PCTN, TC, góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, đơn vị.

1.2. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, TC được các cơ quan tư pháp quan tâm, trong đó, việc kiểm tra, giám sát được chú trọng nhằm phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác PCTN, TC.

1.3. Kết quả công tác PCTN, TC trong nội bộ ngành, cơ quan đơn vị và kết quả điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản tham nhũng của các cơ quan tư pháp giai đoạn từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2022: Đã phát hiện 02 cán bộ có hành vi tham nhũng[1]. Qua giải quyết đơn tố cáo của công dân, Công an tỉnh phát hiện, xử lý 01 vụ cán bộ Công an huyện có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực đã kỷ luật bằng hình thức giáng cấp bậc hàm từ Thiếu úy xuống Thượng sỹ. Bên cạnh đó, liên đới trách nhiệm của người đứng đầu và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách, Công an tỉnh xử lý kỷ luật 04 trường hợp. Qua thanh tra, kiểm tra, xử lý tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã phát hiện tổng cộng 30 vụ[2]. Công an tỉnh thụ lý điều tra 30 vụ/37 bị can, trong đó: Truy tố 26 vụ/ 33 bị can, đã tiến hành xét xử: 22 vụ/29 bị cáo, tiếp tục điều tra 03 vụ/ 03 bị can, đình chỉ 01 vụ/01 bị can.

Quá trình xử lý các vụ án về tham nhũng, tiêu cực đã được các cơ quan tư pháp tập trung phối hợp tốt với các ngành đôn đốc, đẩy nhanh việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, chủ động tuyên truyền đối tượng phạm tội chủ động giao nộp tài sản tham nhũng nhằm khắc phục hậu quả. Kết quả tổng giá trị tài sản được thu hồi trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng: 17.829.362.549 đồng/19.614.273.149 đồng; kết quả tổ chức thi hành án thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: 5.159.420.000 đồng/11.213.228.000 đồng.

1.4. Hàng năm, các cơ quan tư pháp đều xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị phục vụ PCTN, TC đảm bảo khách quan đúng đối tượng, lộ trình và thời gian thích hợp, không làm xáo trộn công tác cán bộ, công chức luân chuyển, chuyển đổi luôn có tâm lý vững vàng thích ứng tốt với công việc. Trong 6 năm: Thi hành án hai cấp chuyển đổi 151 trường hợp, Viện kiểm sát hai cấp chuyển đổi 10 trường hợp, Tòa án hai cấp điều động, chuyển đổi 118 trường hợp, Công an ba cấp luân chuyển, chuyển đổi 686 trường hợp; Thanh tra tỉnh trong 3 năm chuyển đổi 02 trường hợp.

1.5. Việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan tư pháp quan tâm triển khai, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và từng bước phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác, được quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện mô hình tổ hành chính tư pháp theo một cửa, Công an tỉnh, Cục thi hành án áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Viện kiểm sát xây dựng và tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ vụ án, Thanh tra tỉnh triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả về cải cách hành chính.

1.6 Việc thanh tra, kiểm tra trong nội bộ được thực hiện thường xuyên, qua đó góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm.

2. Những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, TC trong các cơ quan tư pháp

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTN, TC trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số tồn tại và hạn chế như sau

2.1. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ cán bộ, công chức vẫn còn một số sai sót về chuyên môn có dư luận tiêu cực[3]; việc theo dõi, chỉ đạo tổ chức thực hiện ý kiến của cử tri, của Thường trực HĐND tỉnh có một số vụ việc hiệu quả chưa cao, chưa thật sự tạo được sự tin tưởng của người dân (các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen.. .)[4].

2.2. Công tác tiếp nhận, xử lý các tố giác, tin báo tội phạm của một số cơ quan đơn vị còn chậm, trễ hạn[5]; có đơn vị việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo còn hạn chế[6]; tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tội phạm tham nhũng gây ra đạt thấp[7]; công tác kiểm tra, thanh tra để chủ động phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành đối với một số vụ việc có dư luận chưa kịp thời, sâu sát[8].

2.3. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh trong quá trình xử lý, giải quyết một số vụ việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp[9].

3. Nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế

3.1. Nguyên nhân khách quan:

Tội phạm tham nhũng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện. Đa số người thực hiện hành vi tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng nên ảnh hưởng đến công tác điều tra.

Một số lĩnh vực chưa có giám định viên tư pháp (đầu tư, quy hoạch kiến trúc...), gây khó khăn cho các cơ quan khi cần trưng cầu giám định trong các lĩnh vực trên.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác xét xử còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhất là yêu cầu của công tác xét xử tội phạm liên quan đến kinh tế, tham nhũng.

- Thiếu nhân sự theo biên chế được giao trong khi công việc phát sinh nhiều (trong ngành Tòa án, Viện kiểm sát).

3.2. Nguyên nhân chủ quan:

[...]