ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 70/KH-UBND
|
Phú Yên, ngày
24 tháng 5 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG
MÓNG GIAI ĐOẠN 2016-2020
Thực hiện Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày
17/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt
“Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020”;
Văn bản số 1395/BNN-TY ngày 25/02/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc bố
trí kinh phí và tổ chức triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm
long móng giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương
trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) giai đoạn 2016-2020
trên địa bàn tỉnh như sau:
I. TỔNG QUAN VỀ BỆNH LỞ MỒM
LONG MÓNG
1. Bệnh lở mồm long móng
Bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền
nhiễm của động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, hươu, nai,... Bệnh do
vi rút thuộc họ Picornaviridae gây ra, có khả năng
lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, không chỉ do tiếp xúc giữa động vật khỏe với động
vật mắc bệnh mà còn qua nhiều đường khác nhau, kể cả qua không khí. Vì vậy, bệnh
thường phát thành dịch và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến
kinh tế xã hội, môi trường.
2. Nguồn bệnh và đường lây lan
a) Nguồn bệnh
Trong tự nhiên, vi rút LMLM có thể
tồn tại ở các loài gia súc mẫn cảm (như trâu, bò, lợn, dê, cừu,…), các loài động
vật hoang dã (voi, lạc đà, hươu, nai, lợn rừng, bò rừng, sơn dương, nhiều loại
gậm nhấm và loài nhai lại hoang dã).
Tại các ổ dịch, gia súc khỏi bệnh
lâm sàng nhưng vẫn có thể mang vi rút LMLM hoặc tại các ổ dịch chưa được xử lý,
vệ sinh tiêu độc khử trùng, vi rút vẫn có thể tồn tại ở các chất chứa, chất thải
từ gia súc, ở các dụng cụ chăn nuôi hoặc ở các loài vật chủ trung gian truyền bệnh.
b) Đường lây lan
Vi rút gây bệnh LMLM có thể lây
truyền trực tiếp giữa con mắc bệnh và con khoẻ khi nhốt chung hoặc chăn thả
chung trên đồng cỏ. Vi rút từ nước bọt, dịch mụn nước, các chất bài xuất, bài
tiết của con vật mắc bệnh xâm nhập vào con khỏe. Bệnh cũng
có thể truyền lây gián tiếp thông qua thức ăn, nước uống, máng ăn, máng uống, nền
chuồng, dụng cụ chăn nuôi, tay chân, quần áo người chăn nuôi bị nhiễm vi rút.
Chó, mèo, gà, chim muông, hoang
thú, côn trùng không mắc bệnh nhưng có thể truyền bệnh theo con đường cơ học từ
nơi này đến nơi khác. Những con vật đã khỏi bệnh nhưng vẫn mang vi rút trong
móng chân, máu, nước tiểu là nguồn gốc gây ra các ổ dịch mới. Gió cũng là một yếu
tố quan trọng trong việc làm lây lan bệnh qua không khí.
Loài nhiễm bệnh có thể có những ảnh hưởng đáng kể
đến sự lây lan. Ví dụ một con lợn có khả năng bài tiết ra môi trường 400 triệu
đơn vị lây nhiễm vi rút trong một ngày. Loài nhai lại bài tiết 120.000 đơn vị
lây nhiễm trong mootjngayf.
Một đặc điểm
quan trọng là vi rút LMLM thường được bài xuất ra ngoài trước khi con vật có biểu
hiện bệnh. Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế Pirbright đã chứng minh với type
O, lợn bài xuất vi rút trước khi có dấu hiệu lâm sàng đầu tiên là
10 ngày, bò và cừu là 05 ngày, trung bình là 2,5 ngày.
3. Tình hình dịch bệnh tại Phú Yên
3.1. Tình hình dịch bệnh:
Bệnh LMLM xuất hiện lần đầu tiên ở Phú Yên vào
năm 1995, từ đó đến nay năm nào cũng tái phát từ ổ dịch cũ. Có năm tạm lắng xuống
chỉ có vài ổ dịch nhỏ, với vài chục con gia súc mắc bệnh, có năm tái phát rầm rộ
ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt sáu tháng đầu năm 2006 bệnh
tái phát 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Số lượng gia súc mắc bệnh khoảng 10.000
con bò, 602 con heo, gây chết 537 con bê và 174 lợn con.
- Năm 2009 bệnh xảy ra tại hai xã huyện Sông
Hinh với 1.588 con/379 hộ mắc bệnh.
- Năm 2010 bệnh xảy ra tại 08 xã thuộc ba huyện
Sông Hinh, Đồng Xuân và thành phố Tuy Hòa với 155 con/48 hộ mắc bệnh.
- Năm 2011 bệnh xảy ra tại 18 xã thuộc bốn huyện
Đồng Xuân, Phú Hòa, Sông Hinh, Tuy An, với 1.269 con/321 hộ mắc bệnh.
- Năm 2012 xảy ra tại 01 xã của huyện Đồng Xuân,
55 con/22 hộ mắc bệnh.
- Năm 2013 xảy ra tại 17 xã thuộc năm huyện Sông
Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa, với 1.190 con/403 hộ mắc bệnh.
- Năm 2014 xảy ra ổ dịch tại xã An Thạch, huyện
Tuy An 08 con/hộ mắc bệnh.
- Năm 2015 xảy ra tại 05 xã thuộc hai huyện Đồng
Xuân và Sơn Hòa với 117 con/51 hộ mắc bệnh.
3.2. Đặc điểm dịch tễ
a) Nguy cơ gia
súc mắc bệnh
Nguy cơ có dịch
LMLM của một số huyện miền núi cao hơn đồng bằng. Lý do các huyện giáp
ranh với các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, tình trạng vận chuyển gia súc lưu thông qua
lại chưa được kiểm soát; các huyện này có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh
sống, nhận thức về công tác phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế, tiêm phòng thấp.
b) Loài gia
súc mắc bệnh tại Phú Yên
Số liệu thống kê cho thấy gia súc mắc bệnh chủ yếu
là bò và lợn, trong đó bò mắc bệnh trên 90%/tổng số gia súc mắc bệnh. Các đối
tượng khác như trâu, nai chưa quan sát được các ca bệnh lâm sàng.
c) Thời gian
và tần suất mắc bệnh
- Từ năm 2009 đến nay năm nào cũng xảy ra dịch.
Tuy nhiên trung bình khoảng 2-3 năm lại xuất hiện các đợt dịch trầm trọng (năm
2011, 2013, 2015) phù hợp với nghiên cứu của Cục Thú y.
- Dịch LMLM có xu hướng xảy ra trầm
trọng vào các tháng 3-6 và từ tháng 11 đến tháng 02 năm sau. Nguyên nhân là do thời tiết bất lợi (nắng nóng và lạnh) tạo điều
kiện thuận lợi cho vi rút phát triển và gây bệnh.
3.3. Đặc điểm của vi rút LMLM và lựa chọn vắc
xin phòng bệnh
a) Chẩn đoán xét nghiệm xác định chủng vi rút
LMLM
Từ năm 2011-2015, tổng số có 16 mẫu bệnh phẩm được
gửi cơ quan Thú y vùng VI xét nghiệm. Năm 2013 gửi 11 mẫu, kết quả 07 mẫu dương
tính với type O, 02 mẫu dương tính với type A; Năm 2015 gửi 5 mẫu, kết quả 05 mẫu
dương tính với vi rút type A.
Điều này cho thấy hai type O, A đang cùng lưu
hành trong đàn gia súc của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
3.4. Thiệt
hại về kinh tế do dịch bệnh LMLM gây ra
Trong giai đoạn 2006–2010, tác động
kinh tế của bệnh LMLM trên lợn bao gồm
cả tác động trong và ngoài ngành chăn nuôi. Tổng tác động ước tính khoảng 1.015
tỷ VND (64 triệu USD) đều thuộc ngành chăn nuôi, trong đó có Phú Yên.
Bệnh LMLM không gây tác động lên
người vì không phải là loại bệnh lây truyền từ động vật sang người. Thiệt hại
đàn lợn và hạn chế trong buôn bán đã có tác động tới ngành chế biến và bán lẻ.
Bệnh LMLM ảnh hướng tới sản lượng thịt
lợn, gây ra sảy thai trong lợn sinh sản và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của lợn
thịt.
4. Kết quả triển khai Chương trình Quốc gia
phòng, chống bệnh LMLM tại Phú Yên giai đoạn 2011-2015.
4.1. Kết quả đạt được
a) Tình hình dịch bệnh:
Trong giai đoạn 2011–2015: Tổng số
839 ổ dịch LMLM xảy ra tại 33 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổng số
gia súc bị bệnh là 2.708 con, chết 56 con, tiêu hủy 61 con. Hàng năm đều xuất
hiện một số ổ dịch. Dịch bệnh giảm mạnh từ năm 2014 đến năm 2015, tuy nhiên vẫn
có một số ổ dịch nhỏ lẻ, rải rác xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh.
b) Kết quả tiêm phòng vắc xin:
Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn cấp 50% và tỉnh cấp kinh phí mua vắc xin đối ứng 50% và giao
cho Chi cục Thú y tổ chức thực hiện. Tỉnh Phú Yên thuộc vùng đệm được tiêm
phòng vắc xin type O; năm 2013 xét nghiệm có lưu hành vi rút type A tại Sông
Hinh nên tiêm phòng vắc xin 02 type tại huyện này và một số xã giáp ranh; năm
2015 xét nghiệm có lưu hành vi rút type A tại Đồng Xuân nên tiêm phòng vắc xin
02 type tại huyện này.
c) Công tác giám sát dịch bệnh:
Thường xuyên thu thập mẫu bệnh
phẩm từ các ổ dịch LMLM gửi đến phòng thí nghiệm tham chiếu để xác định chủng
vi rút gây bệnh LMLM tại thực địa, từ đó lựa chọn vắc xin phù hợp, góp phần
nâng cao hiệu quả của công tác tiêm phòng.
d) Công tác phát hiện và xử lý ổ
dịch:
Trong 05 năm thực hiện Chương
trình, các địa phương đã thực hiện công tác giám sát phát hiện sớm ổ dịch và tổ
chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời theo Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN
ngày 16/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nên dịch chỉ xảy ra
trong thời gian ngắn đã được bao vây, khống chế.
đ) Công tác kiểm soát vận chuyển:
Thực hiện tốt công tác kiểm dịch
vận chuyển gia súc xuất nhập ra vào tỉnh; giám sát chặt chẽ việc xuất nhập gia
súc ra vào địa phương.
Khi có dịch xảy ra, UBND tỉnh
chỉ đạo thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, thường trực 24/24 giờ tại các điểm,
đầu mối giao thông, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc
ra vào ổ dịch.
4.2. Bài học kinh nghiệm
- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo
của cấp ủy và chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng để huy động sức
mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị vào công tác phòng chống dịch. Lực lượng
Thú y địa phương là nòng cốt, tham mưu các biện pháp kỹ thuật, các đơn vị tùy
theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với lực lượng Thú y triển khai các
biện pháp tổng hợp phòng chống dịch.
- Xây dựng các kế hoạch cụ thể
làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch.
- Để phòng chống dịch bệnh phát
sinh và lây lan, cần tổ chức tiêm phòng triệt để cho toàn bộ đàn gia súc ở vùng
có nguy cơ cao. Kết hợp với các biện pháp tổng hợp khác để tăng hiệu quả của
công tác phòng chống dịch. Chú trọng công tác phòng, chống dịch, cách ly gia
súc mắc bệnh, tổ chức nghiêm ngặt kiểm dịch vận chuyển gia súc ra vào ổ dịch;
thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin, thường xuyên vệ sinh,
tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi,...
- Tăng cường giám sát nhằm phát
hiện ổ dịch kịp thời, khống chế nhanh.
- Công khai thông tin dịch bệnh
trên các phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo đầy đủ, kịp thời cho các cấp
chính quyền và ngành chức năng.
4.3. Những khó khăn, tồn tại, bất cập
a) Về chăn nuôi:
- Chăn nuôi của các địa phương
liên tục phát triển, mật độ gia súc tăng nhanh, dịch LMLM ở gia súc chưa được
khống chế ở hầu hết các tỉnh, trong khi đó sự giao lưu mua bán và nhu cầu vận
chuyển gia súc giữa các địa phương tăng lên, làm cho khả năng lây lan dịch ngày
càng tăng.
- Tại những huyện miền núi có tập
quán chăn nuôi nhỏ lẻ, trâu, bò thả rông trong rừng, nhất là vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, sự nhận thức về việc tiêm phòng của người dân còn hạn chế nên
công tác tiêm phòng còn gặp nhiều khó khăn, thời gian qua nhiều ổ dịch xảy ra ở
những huyện vùng sâu vùng xa trên đàn trâu, bò thả rông không được tiêm phòng.
b) Về phát hiện, xử lý ổ dịch:
Tại một số địa phương, công tác
phát hiện dịch còn chậm, báo cáo dịch không kịp thời, khi dịch lây lan rộng mới
phát hiện được dịch, công tác phòng, chống dịch không quyết liệt nên dịch kéo
dài lây lan rộng, gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của địa
phương.
c) Về công tác kiểm dịch vận
chuyển gia súc:
Mặc dù thực hiện tốt công tác
kiểm dịch vận chuyển gia súc xuất nhập ra vào tỉnh, song việc kiểm dịch vận
chuyển vẫn còn một số tồn tại nhất định, đặc biệt là trong khâu cách ly kiểm dịch
dẫn đến việc một số đàn trâu, bò nhiễm bệnh LMLM được vận chuyển từ nơi này
sang nơi khác làm lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc địa phương.
II. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG KẾ
HOẠCH
- Để phát triển chăn nuôi bền vững
có hiệu quả, đủ điều kiện tham gia thương mại quốc tế, việc an toàn bệnh LMLM
gia súc là vấn đề cấp thiết đối với tỉnh ta.
- Bệnh LMLM là một bệnh của xã hội,
bởi ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng nhiều hơn là riêng lẻ từng hộ
chăn nuôi. Đồng thời bệnh LMLM ảnh hưởng đến các chương trình phát triển chăn
nuôi bò sữa, bò thịt, lợn xuất khẩu, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản và quá
trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Bệnh LMLM đã xuất hiện và lưu
hành gây bệnh cho gia súc tại Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng từ
hơn 20 năm qua.
- Thực hiện Chương trình Quốc gia
phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2011-2015; kết quả dịch LMLM đã giảm rõ rệt so
với giai đoạn 2006-2010; số lượng gia súc bị bệnh, chết vì bệnh đã giảm rất nhiều.
Dịch bệnh cũng giảm mạnh từ năm 2011 đến năm 2015.
III. HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Hiệu quả kinh tế:
- Kiểm soát bệnh LMLM sẽ làm cho số
gia súc mắc bệnh giảm, đảm bảo nguồn thu nhập cho người chăn nuôi, tạo điều kiện
thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán sản phẩm chăn nuôi giữa các vùng trong nước
và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm ra nước ngoài,
đặc biệt là sản phẩm động vật, đồng thời đảm bảo sự tín nhiệm đối với khách
hàng. Ngoài ra còn góp phần đảm bảo thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng
nhờ cung cấp sức kéo và phân bón.
Khi bệnh LMLM được thanh toán sẽ
làm cơ sở cho việc phát triển chăn nuôi như mô hình phát triển chăn nuôi bò sữa,
lai tạo bò siêu thịt…
2. Hiệu quả xã hội:
- Đối với các hộ nông dân ở các
vùng có dịch trước đây, sau khi bệnh dịch được khống chế họ yên tâm chăn nuôi,
tăng đầu tư, việc làm và thu nhập, không
bị thiệt hại khi gia súc bị bệnh hoặc
bị chết do bệnh LMLM, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo.
- Các hoạt động kinh tế, xã hội
trong vùng được ổn định, không bị xáo trộn hoặc gây trở ngại
do phải áp dụng các biện pháp chống dịch LMLM.
IV. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH
1. Mục tiêu chung:
Đến năm 2020, khống chế thành công
bệnh LMLM, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh LMLM gia súc trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể:
Tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch bảo
hộ cho 80% tổng đàn trâu bò; chủ động giám sát dịch bệnh; khi có dịch xảy ra được
kiểm soát xử lý kịp thời; giảm số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh, không để dịch
lây lan ra diện rộng; ngăn chặn dịch từ bên ngoài vào tỉnh.
V. CÁC GIẢI PHÁP KỸ THUẬT
1. Phân chia vùng theo nguy cơ:
a) Vùng đệm của Chương
trình: Gồm tất cả các xã, thị trấn của 05 huyện: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh,
Tuy An, Tây Hòa và 10 xã các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tp. Tuy Hòa, Tx. Sông Cầu (Cụ thể theo Phụ lục 1 đính kèm).
b) Vùng nguy cơ thấp: Gồm
33 xã của các địa phương: Phú Hòa, Đông Hòa, Tp. Tuy Hòa, Tx. Sông Cầu (Cụ thể
theo Phụ lục 2 đính kèm).
2. Tiêm phòng vắc xin:
Căn cứ vào type vi rút gây bệnh
LMLM hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc tiêm phòng vắc xin đối
với các huyện, thị xã, thành phố như sau:
a) Đối tượng: Trâu, bò.
b) Loại vắc xin tiêm phòng: Là
02 type O, A.
c) Thời gian tiêm phòng: Đảm bảo
02 lần tiêm phòng trong năm, mỗi lần cách nhau 06 tháng.
3. Giải pháp về giám sát dịch bệnh
và lưu hành vi rút:
- Giám sát lâm sàng phát hiện bệnh
(giám sát bị động).
- Giám sát chủ động phát hiện và
xác định tỉ lệ lưu hành vi rút LMLM.
- Giám sát huyết thanh học sau
tiêm phòng.
4. Giải pháp kiểm dịch vận chuyển,
kiểm soát giết mổ:
- Giai đoạn trước ngày 01/7/2016
thực hiện theo quy định hiện hành.
- Giai đoạn từ ngày 01/7/2016 thực
hiện theo quy định của Luật Thú y.
- Thiết lập hệ thống nhận diện gia
súc, thực hiện đánh dấu gia súc theo quy định, xây dựng dữ liệu về vận chuyển
gia súc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
- Củng cố Trạm
kiểm dịch Hảo Sơn và Chốt kiểm dịch tạm thời Bình Phú để đảm bảo kiểm soát vận
chuyển động vật và sản phẩm động vật quá cảnh và nhập vào tỉnh có hiệu quả.
- Đảm bảo nguồn nhân lực và đào tạo,
tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ thực hiện công tác kiểm dịch,
kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
- Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng như: Quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương với ngành Thú y trong việc
kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật,
sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ.
- Việc giết mổ gia súc được thực
hiện theo quy trình giết mổ động vật, theo Luật Thú y và
các quy định hiện hành.
5. Vệ sinh tiêu độc môi trường:
- Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc
khu vực chăn nuôi, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, các chợ buôn bán gia súc,
phương tiện vận chuyển.
- Tăng cường công tác vệ sinh tiêu
độc đối với những khu vực có ổ dịch xảy ra, các ổ dịch cũ và những khu vực có
nguy cơ cao.
6. Giải pháp thông tin tuyên
truyền:
- Hàng năm Sở nông nghiệp
và PTNT (Chi cục Thú y) phối với các
đơn vị báo chí xây dựng chương trình truyền thông về công tác phòng,
chống bệnh LMLM;
- UBND cấp huyện chỉ đạo các đài
truyền thanh cấp huyện, cấp xã dành thời lượng thích hợp
tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch LMLM.
7. Giải pháp về xử lý ổ dịch:
Xử lý gia súc mắc bệnh LMLM và thực
hiện hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch theo các quy định hiện hành.
VI. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH
1. Ngân sách tỉnh:
- Hỗ trợ 100% kinh phí vắc xin để tiêm phòng cho
gia súc 03 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân và 50% kinh phí mua vắc
xin để tiêm phòng gia súc các xã vùng đệm thuộc Chương trình quy định.
- Chi phí vận chuyển vắc xin về huyện.
- Chi phí lấy mẫu xét nghiệm type vi rút khi
trâu, bò bệnh.
- Kinh phí kiểm tra, giám sát tiêm phòng.
- Kinh phí mua thuốc tiêu độc sau tiêm phòng định
kỳ và dự phòng chống dịch.
2. Ngân sách cấp huyện, cấp xã:
- Hỗ trợ 50% kinh phí mua vắc xin để tiêm
phòng gia súc các xã còn lại vùng đệm thuộc Chương trình.
- Kinh phí vận chuyển vắc xin về xã, chi phí bảo
quản vắc xin và các chi phí liên quan trong quá trình tiêm phòng như thuốc chống
phản ứng trong tiêm phòng, hỗ trợ khi gia súc tiêm vắc xin bị chết, tiềm công
tiêm phòng vắc xin cho gia súc của hộ nghèo, chi phí họp sơ, tổng kết…
- Phương thức thực hiện: Cấp huyện đăng ký số lượng
vắc xin LMLM tiêm phòng cho Chi cục Thú y. Sau khi có kết quả đấu thầu, căn cứ
giá vắc xin trúng thầu huyện chuyển kinh phí mua vắc xin tương ứng với số lượng
đã đăng ký về Chi cục Thú y để thanh toán.
3. Chủ gia súc:
Chi trả tiền công tiêm phòng vắc xin, tiền mua vắc
xin LMLM để tiêm phòng cho gia súc thuộc vùng nguy cơ thấp và chi phí tiêu độc
khử trùng môi trường chăn nuôi.
4. Đối với các đơn vị không thuộc diện nhà nước
hỗ trợ:
Đối với đàn gia súc của cơ sở chăn nuôi, doanh
nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trang trại chăn nuôi
và những đàn gia súc không thuộc diện ngân sách nhà nước hỗ trợ, thì các đơn vị
tự đảm bảo kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc của đơn vị
mình theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
5. Khái toán kinh phí: 51.152.300.000 đồng,
trong đó:
- Kinh phí của tỉnh 27.637.775.000 đồng
- Kinh phí của huyện, xã 10.294.375.000 đồng
- Chủ gia súc đóng góp 13.220.150.000 đồng
6. Kinh phí hỗ trợ tiêu hủy gia súc mắc bệnh,
gia súc chết do bệnh hoặc do phản ứng sau tiêm phòng vắc xin thực hiện theo Quyết
định số 719/2008/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ
trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định số 1442/QĐ-TTg, ngày
23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định
719/2008/QĐ-TTg; Thông tư số 80/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn
chế độ tài chính để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định số
1861/QĐ-UBND ngày 08/11/2011 của UBND tỉnh về mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ
đạo:
a) Chi cục Thú y làm đầu mối, phối hợp với các địa
phương, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện Chương trình, bao gồm: (i)
Hàng năm, chịu trách nhiệm xác định type vi rút lưu hành, chủng loại vắc xin
LMLM và yêu cầu kỹ thuật của từng loại vắc xin sử dụng để tiêm phòng tại các
huyện, thị xã, thành phố; (ii) Tổng hợp số lượng gia súc thuộc diện tiêm phòng
hàng năm trong Chương trình; nhu cầu về số lượng, chủng loại vắc xin hàng năm tại
cấp huyện báo cáo các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính tổng hợp
trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bố trí kinh phí thực hiện; (iii) Tổ chức
đôn đốc, kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin, giám sát theo quy định; (iv) Tổ
chức sơ kết, tổng kết Chương trình.
b) Các đơn vị có liên quan trực thuộc chủ động
phối hợp với Chi cục Thú y tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Xây dựng kế hoạch kinh phí thuộc diện ngân
sách địa phương đảm bảo để thực hiện tại địa phương mình, kế hoạch tiêm phòng vắc
xin; kiểm tra, giám sát.
b) Hàng năm, chủ động thống kê số lượng và nhu cầu
vắc xin của đàn gia súc địa phương thuộc diện tiêm phòng, gửi Chi cục Thú y tỉnh
để tổng hợp báo cáo theo các cơ quan chức năng theo quy định.
c) Báo cáo kịp thời UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng
chống dịch động vật của tỉnh về các kết quả, diễn biến của công tác tiêm phòng
vắc xin LMLM.
3. Các sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư,
Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và
Công nghệ; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh theo chức trách được giao, chỉ
đạo các đơn vị liên quan trực thuộc chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và các địa phương để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nội
dung của Kế hoạch này.
4. Yêu cầu các cấp, các ngành liên quan cần
tăng cường tuyên truyền, vận động hoặc có các giải pháp chế tài phù hợp yêu cầu
chủ chăn nuôi gia súc có trách nhiệm đóng góp kinh phí cùng với ngân sách Nhà
nước để mua vắc xin tiêm phòng đàn gia súc thuộc vùng nguy cơ thấp, đảm bảo
khả năng bảo hộ toàn đàn trên địa bàn, tránh nguy cơ lây lan bùng phát
dịch bệnh
Các đơn vị, địa phương liên quan phối hợp thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cục Thú y;
- CVP, PVP UBND tỉnh;
- Các sở: NN và PTNT, TC, KH và ĐT, CT,
TT và TT, TN và MT, KH và CN;
- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy QS tỉnh;
- UBND các huyện, Tx, Tp;
- Chi cục Thú y tỉnh;
- Lưu: VT, Hg,To
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Trúc
|