Kế hoạch 1096/KH-UBND năm 2016 về thực hiện "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020" tỉnh Bình Dương

Số hiệu 1096/KH-UBND
Ngày ban hành 13/04/2016
Ngày có hiệu lực 13/04/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Trần Thanh Liêm
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1096/KH-UBND

Bình Dương, ngày 13 tháng 04 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIAI ĐOẠN 2016-2020”

Căn cứ Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày 17/02/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020”;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2020 khống chế thành công bệnh Lở mồm long móng (sau đây viết tắt là LMLM) trên địa bàn huyện Bàu Bàng, Phú Giáo và Dầu Tiếng; giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh LMLM gia súc trên địa bàn tỉnh Bình Dương; xây dựng thêm ít nhất 03 xã được công nhận là xã an toàn dịch bệnh đối với bệnh LMLM.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch bảo hộ cho 80% tổng đàn trâu, bò và heo trên địa bàn huyện Bàu Bàng, Phú Giáo và Dầu Tiếng;

- Chủ động giám sát dịch bệnh; khi có dịch bệnh xảy ra được kiểm soát xử lý kịp thời, giảm số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh, không để dịch lây lan ra diện rộng.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp tiêm phòng vắc xin

- Đối tượng tiêm phòng: Trâu, bò, heo và các loài gia súc mẫn cảm khác.

- Loại vắc xin sử dụng: Căn cứ thông báo lưu hành vi rút LMLM và hướng dẫn sử dụng vắc xin LMLM của Cục Thú y ban hành hàng năm.

- Thời gian tiêm phòng: Bảo đảm 02 lần tiêm phòng đại trà trong năm, mỗi lần cách nhau 6 tháng, thời gian còn lại thực hiện tiêm phòng bsung. Thời điểm tiêm phòng phải phù hợp điều kiện chăn nuôi mỗi địa phương và thuận lợi cho sức khỏe của gia súc.

2. Giải pháp về giám sát dịch bệnh và lưu hành vi rút

- Giám sát lâm sàng phát hiện bệnh (giám sát bị động) nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh để khoanh vùng, dập dịch kịp thời, giảm thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh cũng như hạn chế sự lây lan của bệnh. Hướng dẫn cán bộ thú y cơ sở và người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia súc trong suốt quá trình nuôi; nếu thấy gia súc có biểu hiện của bệnh LMLM thì báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chăn nuôi, thú y nơi gần nhất để tổ chức điều tra, xử lý dịch bệnh.

- Giám sát chủ động nhằm phát hiện các trường hợp gia súc mang trùng, đồng thời đánh giá tỷ lệ lưu hành vi rút LMLM trong quần thể gia súc trên địa bàn tỉnh.

- Giám sát huyết thanh học sau tiêm phòng nhằm đánh giá đáp ứng miễn dịch của đàn gia súc sau khi được tiêm vắc xin LMLM. Tỷ lệ kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng ước tính và số lượng mẫu để giám sát thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y.

3. Giải pháp chẩn đoán xét nghiệm bệnh LMLM

- Hiện tại mẫu giám sát sau tiêm phòng được Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản thực hiện lấy mẫu giám sát sau mỗi đợt tiêm phòng.

- Từng bước tiến hành xây dựng Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Hướng tới được công nhận có năng lực thử nghiệm, chẩn đoán xét nghiệm bệnh LMLM bằng các phương pháp ELISA và Realtime RT-PCR.

4. Giải pháp kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ

- Giai đoạn trước ngày 01/7/2016 thực hiện theo các quy định hiện hành.

- Giai đoạn từ ngày 01/7/2016 thực hiện theo quy định của Luật thú y và các Thông tư, Nghị định được ban hành.

+ Không thực hiện kiểm dịch nội tỉnh.

+ Không thực hiện kiểm dịch vận chuyển ra khỏi tỉnh đối với các trường hợp động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ: (1) Cơ sở an toàn dịch bệnh; (2) Cơ sở đã được phòng bệnh bằng vắc xin và gia súc vẫn còn miễn dịch bảo hộ đối với bệnh đã được tiêm phòng; (3) Cơ sở đã được giám sát dịch bệnh.

+ Thực hiện kiểm dịch vận chuyển ra khỏi tỉnh đối với động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ nơi có nguy cơ về dịch bệnh, cụ thể từ: (1) Cơ sở thu gom, kinh doanh; (2) Cơ sở chăn nuôi chưa được giám sát dịch bệnh; (3) Cơ sở chưa thực hiện tiêm phòng theo quy định hoặc đã được tiêm phòng nhưng không còn miễn dịch bảo hộ; (4) Cơ sở chưa được công nhận an toàn dịch động vật; (5) Cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chưa được định kỳ kiểm tra vệ sinh thú y; hoặc (6) Khi có yêu cầu của chủ hàng.

[...]