Kế hoạch 69/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 69/KH-UBND
Ngày ban hành 22/03/2024
Ngày có hiệu lực 22/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện nội dung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 14/7/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 776/TTr-SNNPTNT ngày 29/02/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024.

b) Hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình; duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận; tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP các cấp; thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.

2. Yêu cầu

a) Bám sát mục tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

b) Chủ động và phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

c) Đổi mới cách làm đối với các sản phẩm OCOP, trong đó xác định rõ vai trò của nhà nước là định hướng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển, chủ thể đóng vai trò quyết định; tập trung phát triển các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương, các sản phẩm được thị trường ưa chuộng và đón nhận.

d) Các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao và căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai Chương trình OCOP năm 2024 trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới.

đ) Phát triển các sản phẩm OCOP đa dạng hóa, nâng cao chất lượng theo 6 ngành hàng[1] và thực hiện Chu trình OCOP[2] theo đúng quy định.

II. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu có thêm 70 sản phẩm đạt OCOP từ 3-5 sao (trong đó 4-6 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy Chứng nhận đạt OCOP 4 sao, có 1-2 sản phẩm có tiềm năng đạt OCOP 5 sao cấp Trung ương).

2. Củng cố, phát triển, nâng cao năng lực khoảng 50 chủ thể tham gia phát triển, sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm OCOP.

3. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,...).

4. Có 1-2 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP hạng 3 sao trở lên là của các làng nghề/ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề/ngành nghề của địa phương.

5. 100% các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực phát triển, sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm OCOP.

6. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học trong nước hướng tới thị trường xuất khẩu.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Triển khai Chu trình OCOP năm 2024

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP

- Tăng cường công tác tuyên truyền trên các báo, đài phát thanh truyền hình; các Trang, Cổng Thông tin điện tử để tuyên truyền đến cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã) và nhân dân trên địa bàn về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cho người dân khi triển khai; thực hiện các chuyên mục, chuyên đề, xây dựng nhiều hình thức tuyên truyền trực quan đến Chương trình OCOP nhằm giới thiệu, tuyên truyền, cổ vũ những mô hình tốt, cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến về phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

- Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, tuyên truyền triển khai thực hiện thường xuyên về Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức, lồng ghép với các hoạt động truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, liên tục trong năm.

b) Đăng ký ý tưởng sản phẩm

- Các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát các sản phẩm tiềm năng; tổng hợp, đánh giá, lựa chọn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn để đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình; hướng dẫn các chủ thể xây dựng, triển khai phương án/Kế hoạch sản xuất kinh doanh; các quy định về bao bì đóng gói, nhãn mác sản phẩm hàng hóa; về bảo vệ môi trường trong sản xuất; về an toàn vệ sinh thực phẩm; về xây dựng nhãn hiệu; hướng dẫn các chủ thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước về: tín dụng, khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề,... Hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại thực địa, thường xuyên và liên tục đối với các chủ thể sản xuất sản phẩm tiềm năng để triển khai phương án sản xuất kinh doanh.

- Thời gian thực hiện: Tháng 3- 4 năm 2024.

[...]