Kế hoạch 180/KH-UBND thực hiện Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Số hiệu 180/KH-UBND
Ngày ban hành 22/03/2024
Ngày có hiệu lực 22/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nông Quang Nhất
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 180/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 22 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM” (OCOP) TỈNH BẮC KẠN NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 06/7/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc Điều chỉnh, bổ sung Thuyết minh Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP-BK) giai đoạn 2021-2025 kèm theo Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn;

Căn cứ Quyết định số 2338/QĐ-UBND ngày 10/12/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo đúng chu trình hằng năm gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2022 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm; sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ngành và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông nội dung Chương trình giai đoạn 2021-2025 để các cấp, các ngành, người dân và hưởng ứng tham gia.

- Củng cố, nâng cấp sản phẩm OCOP đã được công nhận và phát triển các sản phẩm mới đăng ký năm 2024. Trong đó tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, định hướng phát triển sản phẩm có chiều sâu và đáp ứng theo quy trình đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như tiêu chuẩn: Organic, ISO: 22000, HACCP, VietGAP…

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP các cấp và chủ thể OCOP tham gia Chương trình. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu và ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP. Thực hiện kiểm tra quản lý chất lượng sản phẩm OCOP theo quy định.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phát triển kinh tế khu vực nông thôn, lồng ghép các hoạt động của Chương trình với triển khai nhiệm vụ chuyên môn của ngành, lĩnh vực quản lý, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

- UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chính triển khai Chương trình tại cấp huyện, thành phố. Triển khai các bước của Chu trình OCOP ngay từ đầu năm, trên cơ sở các cơ chế, chính sách, nguồn lực hiện hành, đánh giá thực trạng và xác định nội dung để ưu tiên hỗ trợ các chủ thể OCOP. Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia chương trình; tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm theo quy định.

II. CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới (bình quân 2-3 sản phẩm/huyện, thành phố) đạt 3 sao trở lên; củng cố, phát triển 8 chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận  để  mở rộng  quy mô  sản  xuất, tăng khả năng  cạnh  tranh  trên  thị trường...; phấn đấu hỗ trợ 8 chủ thể mới có sản phẩm tham gia năm 2024 (bình quân 1 chủ thể/huyện, thành phố).

 (Chi tiết tại phụ lục 1 kèm theo)

2. Củng cố nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận: Có truy xuất nguồn gốc (20 sản phẩm); chủ thể tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (25 chủ thể); quản lý chất lượng tiên tiến (37 sản phẩm).

 (Chi tiết tại phụ lục 2 kèm theo)

3. Có ít nhất 2 tin, bài, phóng sự/tháng tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện truyền thông trung ương và địa phương.

III. NỘI DUNG

1. Kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến huyện, xã

- Nội dung:

+ Thường xuyên rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy thực hiện Chương trình OCOP các cấp, khi có thay đổi nhân sự đảm bảo đủ thành phần, năng lực triển khai Chương trình OCOP hiệu quả tại địa phương.

+ Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các phòng ban chuyên môn các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; quy trình triển khai Chu trình OCOP thường niên; sản phẩm OCOP…; công tác quản lý, triển khai Chương trình; bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm và hướng dẫn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hằng năm.

- Đơn vị thực hiện: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

[...]