Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 67/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025

Số hiệu 67/KH-UBND
Ngày ban hành 13/04/2021
Ngày có hiệu lực 13/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Nguyễn Văn Hòa
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 13 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ LOGISTICS TỈNH HẬU GIANG 5 NĂM 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Theo đó, ngày 13 tháng 01 năm 2021 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình về việc phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 tại Chương trình số 03/CTr-UBND.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình số 03/CTr-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình số 03).

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình số 03 phải được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ và có hiệu quả, làm nền tảng triển khai cho các năm tiếp theo đảm bảo tiến tới đạt các mục tiêu đề ra.

b) Việc tổ chức thực hiện Chương trình số 03 phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, của từng ngành, từng địa phương; ưu tiên phân bổ nguồn lực (nội lực, ngoại lực) thực hiện Chương trình.

II. MỤC TIÊU THỰC HIỆN

1. Mục tiêu tổng quát

Huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ logistics; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ; tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển công nghiệp, logistics của tỉnh Hậu Giang bền vững, đạt mức trung bình khá của các tỉnh trong khu vực, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân. Chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng (GRDP) lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 12,28%/năm. Cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp tăng từ 20,24% năm 2020 lên 25,29% năm 2025.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 12,95%/năm, quy mô ngành công nghiệp đạt 77.626 tỷ đồng vào năm 2025.

- Cơ cấu lao động trong khu vực công nghiệp đến năm 2025 chiếm 15,93% trong tổng số lao động trên địa bàn Tỉnh.

- Năng suất lao động khu vực công nghiệp đến năm 2025 là 209 triệu đồng/lao động/năm, tăng bình quân 10,10 %/năm.

- Hình thành 03 trung tâm logistics lớn trên địa bàn Tỉnh: Trung tâm logistics Mekong, Khu trung tâm logistics Hậu Giang, Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang. Mời gọi đầu tư các trung tâm logistics tiềm năng tại: Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Cụm công nghiệp Kho tàng bến bãi Tân Tiến, Trung tâm logistics tại cụm công nghiệp Tân Thành.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp, dịch vụ logistics trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển công nghiệp, logistics là một phần chiến lược sản xuất, kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

- Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp và logistics, nhằm tạo sự quan tâm của xã hội, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho các ngành công nghiệp, logistics tại địa phương.

2. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp; đồng thời, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển cho các ngành công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển ngành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược, chương trình phát triển phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế trong từng giai đoạn phát triển.

3. Thu hút và hỗ trợ đầu tư

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được niêm yết, công bố và kịp thời hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; rà soát bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, không phù hợp theo quy định của pháp luật,... Đồng thời, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp theo hướng sàng lọc dự án đầu tư.

[...]