Kế hoạch 94/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2020

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 05/05/2020
Ngày có hiệu lực 05/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Doãn Toản
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2020

Thực hiện Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 6743/QĐ-UBND ngày 27/9/2017 của UBND Thành phố vê việc phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 09/4/2019 của UBND Thành phố về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các doanh nghiệp CNHT.

- Tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, bao gồm 03 lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày. Đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành CNHT Hà Nội thông qua việc nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn.

- Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

- Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến hết năm 2020, có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó, có khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

- Đến hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp 02 năm 2019 - 2020 đạt từ 9,78 - 10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,6 - 9%.

II. NỘI DUNG

1. Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT.

a) Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT: Thuê chuyên gia tư vấn để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển (thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT).

b) Tuyên truyền, quảng bá hoạt động CNHT của Hà Nội: Phối hợp với các cơ quan thông tân, báo chí ở Trung ương và Hà Nội, trong đó tập trung vào Đài truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Nhân dân, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo Công Thương, Tạp chí công thương và báo, tạp chí nước ngoài... thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá về hoạt động CNHT trên địa bàn Thành phố.

c) Tổ chức Hội chợ, triển lãm quốc tế trưng bày các sản phẩm CNHT Hà Nội:

- Tổ chức Hội chợ, triển lãm quốc tế trưng bày các sản phẩm CNHT tại Hà Nội năm 2020, với quy mô khoảng 250 gian hàng của các doanh nghiệp CNHT Hà Nội và trong nước, các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan,... Thông qua Hội chợ giúp các doanh nghiệp Hà Nội nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo: linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm; sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng; tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế; Tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp (matching) nhằm sản xuất chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất công nghiệp chính.

- Tổ chức Hội thảo quốc tế bên lề Hội chợ, triển lãm quốc tế trưng bày các sản phẩm CNHT tại Hà Nội năm 2020. Dự kiến, Hội thảo thu hút khoảng 200 đại biểu là đại diện các Bộ ngành, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp CNHT, các chuyên gia về CNHT trong và ngoài nước.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Tổ chức tập huấn cho các cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp CNHT Hà Nội với các nội dung: Quản trị doanh nghiệp; Quản trị sản xuất; Phổ biến nhận thức, cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường và năng lực các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và nước ngoài. Giảng viên là các chuyên gia hàng đầu đến từ các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu, Bộ Công Thương, các Tập đoàn và doanh nghiệp lớn.

3. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT.

Tổ chức tập huấn phổ biến, giới thiệu các cơ chế, chính sách về phát triển CNHT, cung cấp thông tin về thị trường và năng lực các ngành CNHT Việt Nam và nước ngoài cho cán bộ quản lý nhà nước các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

4. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

- Giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất mới, tiên tiến và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm CNHT.

- Thuê chuyên gia trong nước hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, sáng chế, phần mềm...

- Hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT hoàn thiện, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm.

[...]