Kế hoạch 6676/KH-UBND năm 2021 về phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 6676/KH-UBND
Ngày ban hành 07/12/2021
Ngày có hiệu lực 07/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Quốc Nam
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6676/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 07 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ PHỤC HỒI VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG BỐI CẢNH THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19

A. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN KINH TẾ - XÃ HỘI DO DỊCH COVID-19 NĂM 2021

Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn hơn so với dự báo, nhất là những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, trước tình hình đó, UBND tỉnh đã quán triệt và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của Tỉnh, tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đồng bộ, tăng tốc thực hiện các mục tiêu đề ra, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân trong Tỉnh, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát 1, kinh tế - xã hội duy trì ổn định và tăng trưởng khá trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19; GRDP tăng 9%, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp đạt khá, quy mô sản xuất tăng 18,6%; nhóm ngành năng lượng tái tạo tăng trưởng cao, tăng 53,4%; thu ngân sách vượt 0,2% kế hoạch (đạt 3.907 tỷ đồng); các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 đạt kết quả bước đầu, một số lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có bước phục hồi; công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, từ đợt dịch thứ tư bùng phát ở các tỉnh phía Nam và các tỉnh lân cận, xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tác động nặng nề đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong Quý III tăng trưởng kinh tế giảm mạnh (giảm 1,21%), các hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch, lưu trú, ăn uống giảm sâu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng kinh doanh; một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng rõ rệt, Cụ thể:

- Hoạt động dịch vụ: Các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải phần lớn phải ngừng hoạt động; lượng khách du lịch giảm sâu, số lượt khách du lịch và lưu trú cả năm chỉ đạt 45,6% Kế hoạch; chỉ có 19/183 cơ sở lưu trú hoạt động chủ yếu đón khách cách ly tập trung và chuyên gia ngoài tỉnh vào làm việc, doanh thu ngành du lịch giảm 35,3%; hoạt động vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn, nhất là vận tải hành khách (vận tải hành khách giảm 53,8% và luân chuyển hàng hóa giảm 6,2% so cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quý III giảm 29,3%, tính chung cả năm tăng 1,2% là mức tăng trưởng thấp nhất từ 10 năm trở lại đây. Toàn ngành dịch vụ trong Quý III giảm 13,1%, tính chung cả năm 2021 chỉ tăng 0,02% (KH 10-11%).

- Hoạt động sản xuất: Tốc độ tăng chỉ số sản xuất Công nghiệp (IIP) Quý III/2021 đạt 19,37%, thấp nhất trong ba quý (quý I đạt 50,63%; quý II đạt 29,77%), tính chung cả năm đạt 29,7%. Công nghiệp khai khoáng và chế biến giảm 1,3% do 9/21 sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm sâu 2 do khó khăn về mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng...

- Hoạt động doanh nghiệp: Hàng hóa doanh nghiệp sản xuất bị tồn kho không đưa vào thị trường được, các chi phí xét nghiệm định kỳ cho người lao động, giá cước vận tải tăng... dẫn đến áp lực về tài chính cho doanh nghiệp, buộc phải cắt giảm lao động để giảm bớt chi phí. Đến ngày 20/11/2021, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 44,6%, vốn đăng ký giảm 41,7% 3, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 57,5% so cùng kỳ. Tổng số đến giữa tháng 11/2021, có 3.809 DN đang hoạt động, trong đó có khoảng 3.400 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp; đồng thời, có gần 10 nghìn hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

B. KẾ HOẠCH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

I. Quan điểm chung

(1) Kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh.

(2) Thực hiện mục tiêu kép, tập trung phòng chống dịch đồng thời chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản cụ thể để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nhanh, vững chắc, an toàn, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Coi bảo đảm ổn định chính trị - xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt và trọng yếu, tiêm vắc xin là điều kiện tiên quyết, y tế là then chốt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là đột phá, phát triển kinh tế là nền tảng.

(3) Quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, cho phép doanh nghiệp từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng cấp độ dịch và bảo đảm an toàn phòng chống dịch phù hợp từng đối tượng, từng lĩnh vực, ngành nghề, từng vùng, từng địa bàn; theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.

(4) Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội phải đảm bảo yêu cầu toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

II. Mục tiêu

Xây dựng các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên cơ sở dự kiến độ bao phủ vắcxin toàn dân đến cuối năm 2021 đạt 92% tiêm đủ 2 mũi và mũi tăng cường đối với các trường hợp đủ thời gian; lộ trình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2 của tỉnh, đến ngày 16/12/2021 toàn tỉnh chuyển sang cấp độ 1; tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát với độ bao phủ vắcxin cao. Từ đó đề ra mục tiêu để từng bước ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch theo 02 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1 (từ 16/12/2021 đến hết Quý I/2022): Mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế - xã hội vận dụng linh hoạt, hiệu quả chiến lược “sống chung với dịch COVID-19” theo lộ trình, an toàn, vững chắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

- Giai đoạn 2 (từ đầu Quý II/2022 trở đi): Đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thúc đẩy tăng trưởng kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

III. Dự kiến các kịch bản tăng trưởng năm 2022

Dự báo tình hình thế giới và trong nước có những cơ hội, thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 đã xuất hiện nhiều biến chủng mới khiến cho tình hình dịch quay trở lại phức tạp, diễn biến nhanh, khó lường, chưa xác định thời điểm kết thúc, thế giới có khả năng sẽ phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh. Trong nước, độ bao phủ vắcxin của các tỉnh, thành phố tăng cao, kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định, các chỉ tiêu tài chính trong ngưỡng an toàn, chất lượng tăng trưởng kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu, cùng với các chính sách và gói hỗ trợ thực hiện phục hồi kinh tế của Chính phủ sẽ giúp đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất vẫn là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19; nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh; trong khi đó thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ thường trực.

Trong Tỉnh, những chủ trương, quyết sách lớn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp được quyết liệt chỉ đạo triển khai, tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Tỉnh và những đột phá trong lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với đẩy nhanh triển khai một số dự án động lực sẽ tạo cơ hội thu hút các nguồn lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Thuận lợi và dư địa cho tăng trưởng năm 2022: Khâu đột phá về năng lượng tái tạo còn dư địa cho tăng trưởng 4; Thuận lợi nước tưới cho sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện cho ngành trồng trọt mở rộng sản xuất 5, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; Điều kiện tỷ lệ bao phủ Vắc-xin toàn dân cao, với mục tiêu đạt 92% dân số tiêm đủ 2 mũi là cơ sở để phục hồi kinh tế vững chắc; Tín hiệu tích cực phục hồi các nhóm ngành công nghiệp chế biến, nông lâm, thủy sản, năng lượng, vật liệu xây dựng thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn; các ngành dịch vụ, du lịch sẽ phục hồi tốt hơn năm 2021; tích cực thúc đẩy đầu tư để đóng góp cho tăng trưởng: Các dự án lớn đầu tư công năm 2022 bắt đầu triển khai, như: Cao tốc Bắc - Nam, giao thông trọng điểm của Tỉnh, dự án đô thị, du lịch, cảng biển, điện năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình dịch bệnh COVID-19; biến đổi khí hậu; nguồn lực đầu tư công hạn chế; khả năng chậm phục hồi của một số ngành, lĩnh vực, nhất là dịch vụ, du lịch; các chính sách phát triển năng lượng tái tạo chậm ban hành; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu sẽ là những vấn đề mà Tỉnh phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Kịch bản tăng trưởng năm 2022:

Trên cơ sở dự báo những yếu tố thuận lợi và khó khăn thách thức như trên, khả năng thích ứng của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng năm 2022 như sau:

(1) Kịch bản 1: Dự kiến tốc độ tăng GRDP tăng 10,2%.

Kịch bản này được xây dựng ở cấp độ dịch cấp 1, Tỉnh đang chuyển sang giai đoạn 2, mở cửa phục hồi kinh tế. Đây là kịch bản phát triển cao, kinh tế phục hồi dự báo trong bối cảnh thuận lợi, tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ toàn dân đạt 92%, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các ngành còn dư địa năm 2021 tiếp tục phát huy tăng trưởng, cơ chế chính sách giá điện tháo gỡ; hoạt động du lịch được phục hồi nhanh hơn; các ngành công nghiệp sản xuất, khai khoáng phục hồi nhờ có được thị trường tiêu thụ ổn định; hoạt động vận tải được thông suốt...

Trong đó, dự kiến tốc độ tăng của ngành Nông lâm ngư nghiệp tăng 3,4%, đóng góp tăng trưởng 1,01% GRDP; Công nghiệp, xây dựng tăng 15,6%, đóng góp tăng trưởng 5,21% GRDP 6; Dịch vụ tăng 10,9%, đóng góp tăng trưởng 3,37% GRDP và Thuế sản phẩm tăng 10,4%, đóng góp tăng trưởng 0,61% GRDP.

[...]