Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 64/KH-UBND
Ngày ban hành 26/06/2018
Ngày có hiệu lực 26/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 26 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÒNG, CHỐNG CÁC LOẠI TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC, TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA”

Căn cứ Quyết định số 4170/QĐ-BCA-C41 ngày 14/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Đề án “Phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” (gọi tắt là Đề án) thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và hiệu lực quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân vào công tác phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, kiên quyết không để hình thành, tồn tại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp các ngành, các tổ chức xã hội chính trị - xã hội và nhân dân trong phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

- Mở rộng hợp tác với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ; tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh với loại tội phạm này, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Chủ động nắm tình hình, phát hiện, rà soát, lập hồ sơ các băng nhóm đang có biểu hiện hoạt động phạm tội, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, khám phá. Kiên quyết không để hình thành, tồn tại các băng nhóm tội phạm mà không bị phát hiện, triệt phá.

- Tập trung tấn công, trấn áp, vô hiệu hóa các băng nhóm tội phạm, phấn đấu giảm tỉ lệ phạm pháp hình sự từ 03% đến 05% tổng số vụ phạm tội hình sự so với trước khi triển khai Đề án, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm ở các địa bàn trọng điểm.

- Chủ động phát hiện và ngăn chặn từ xa sự xâm nhập của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia vào địa bàn tỉnh hoạt động phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, khủng bố, rửa tiền và các băng nhóm, tổ chức tội phạm quốc tế.

2. Yêu cầu

- Triển khai Đề án được gắn với các chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2020.

- Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Đề án. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn và mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Quá trình triển khai thực hiện phải đáp ứng các yêu cầu về chính trị, pháp luật và đối ngoại.

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác tham mưu

Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia. Thực hiện công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia ngay từ cơ sở.

Tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Thường xuyên trao đổi thông tin tội phạm và phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm để có đối sách kịp thời, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

2. Công tác phòng ngừa xã hội

- Đổi mới nội dung, cải tiến hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; lồng ghép với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.

- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nhân chứng, người bị hại trong quá trình phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án do băng nhóm tội phạm có tổ chức gây ra nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân chứng, người cung cấp thông tin về tội phạm, giúp họ an tâm khi cộng tác với các cơ quan thi hành pháp luật.

- Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; công tác xây dựng mô hình, các Câu lạc bộ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng về an ninh trật tự ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà trường; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao, nghiên cứu xây dựng các mô hình mới phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa bàn.

3. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ

- Tiến hành điều tra cơ bản, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động của tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Tập trung rà soát, phát hiện các đối tượng trên địa bàn có biểu hiện phạm tội, hoạt động hình thành băng nhóm tội phạm, từ đó kịp thời lập kế hoạch, phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh.

[...]