Kế hoạch 1666/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 1666/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2021
Ngày có hiệu lực 07/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Hương Giang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1666/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 07 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC, TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Kế hoạch số 131/KH-BCA-CSHS ngày 30/3/2021 của Bộ Công an về phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia (TPCTC, TPXQG) giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm nói chung và tham gia đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia nói riêng.

- Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt đối với các loại tội phạm, không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động lộng hành theo kiểu "xã hội đen", sử dụng vũ khí nóng, tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm, nhất là TPCTC, TPXQG. Xác định nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.

- Công tác phòng, chống TPCTC, TPXQG phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành liên quan.

- Quá trình thực hiện phải đảm bảo hiệu quả, tuân thủ các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia của hệ thống chính trị và cộng đồng.

- Đấu tranh triệt phá, vô hiệu hóa các ổ nhóm tội phạm, không để hoạt động lộng hành, hoạt động theo kiểu "xã hội đen”.

- Tăng cường công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

- Thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm. Huy động nguồn lực hỗ trợ công tác phòng, chống TPCTC, TPXQG: Đào tạo, tập huấn, khảo sát…

2. Nhiệm vụ, giải pháp

2.1. Chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp

- Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường quản lý kinh tế - xã hội, kết hợp thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm; có giải pháp, chính sách hỗ trợ công tác phòng ngừa, đấu tranh với TPCTC, TPXQG. Tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình, kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống TPCTC, TPXQG từ cơ sở.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống TPCTC, TPXQG. Thường xuyên trao đổi thông tin tội phạm và phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm để có đối sách kịp thời, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng ngừa xã hội, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý với TPCTC, TPXQG theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương; phát hiện những sơ hở, thiếu sót của chính sách, cơ chế quản lý nhà nước từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

2.2. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia

- Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về phòng, chống TPCTC, TPXQG; lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào thi đua do các ban, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức. Phối hợp quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên, chú ý các trường hợp có điều kiện, khả năng hoạt động phạm tội.

- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người làm chứng, người bị hại, người tố giác tội phạm trong quá trình phòng, chống TPCTC, TPXQG, nhất là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án do băng nhóm tội phạm gây ra, động viên, khích lệ họ cung cấp thông tin hoặc cộng tác với cơ quan chức năng.

- Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tự quản, tự phòng về ANTT ngay từ cộng đồng dân cư, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà trường; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hiệu quả, nghiên cứu xây dựng những mô hình mới phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, tuyến, lĩnh vực.

2.3. Nâng cao hiệu quả công tác tấn công trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm

- Xây dựng, triển khai các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh với các loại TPCTC nổi lên ở từng giai đoạn (các ổ nhóm tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công ngiệp, khu vực giáp ranh, trên không gian mạng…). Thường xuyên rà soát xác định các địa bàn, tuyến, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm mà TPCTC, TPXQG lợi dụng hoạt động để tập trung chuyển hóa địa bàn, kiềm chế và làm giảm tình hình hoạt động phức tạp của tội phạm đến mức thấp nhất.

- Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm lồng ghép nội dung đấu tranh, trấn áp TPCTC, TPXQG trên các địa bàn, tuyến trọng điểm, không để hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

[...]