Kế hoạch 58/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 51/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững do tỉnh Hậu Giang ban hành

Số hiệu 58/KH-UBND
Ngày ban hành 13/04/2018
Ngày có hiệu lực 13/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 13 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 51/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 07-NQ/TW NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, QUẢN LÝ NỢ CÔNG ĐỂ ĐẢM BẢO NỀN TÀI CHÍNH QUỐC GIA AN TOÀN, BỀN VỮNG

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;

Thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Mục tiêu:

- Tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị; tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức các cấp, các ngành và toàn thể xã hội đối với công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

- Phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giữ vững an ninh tài chính trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

+ Tỷ lệ thu nội địa giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 8%/năm, phấn đấu thu nội địa tăng 15,6% so giai đoạn 2011 - 2015.

+ Tỷ lệ chi ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, tăng bình quân 7%/năm, tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm 38% so với tổng chi; tỷ trọng chi thường xuyên chiếm 53% so với tổng chi. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.

+ Bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, quản lý nợ công theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Yêu cầu

a) Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Chương trình hành động tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ.

b) Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và địa phương triển khai các nhiệm vụ giải pháp thực hiện Chương trình hành động tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ và Kế hoạch này đạt hiệu quả cao nhất.

II. GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Giải pháp

a) Tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững:

- Triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đầu tư công. Tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thực hiện tốt Luật Đầu tư công; nghiên cứu rút ngắn các thủ tục hành chính về đầu tư công; nâng cao chất lượng lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, suất đầu tư của các ngành kinh tế. Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công. Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư.

- Nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thoái vốn đầu tư của các doanh nghiệp, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản công.

b) Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững:

- Cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng cường quản lý nợ công góp phần bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính.

- Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; chỉ đề xuất vay để bù đắp bội chi khi thực sự cần thiết và cấp bách; cải thiện cân đối ngân sách Nhà nước, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay. Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các luật thuế; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Nâng cao chất lượng, đảm bảo chủ động trong công tác phân tích, dự báo; rà soát và đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm ảnh hưởng tăng, giảm đến nguồn thu ngân sách; thực hiện nguyên tắc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước phải dựa trên hệ thống dữ liệu về cơ sở kinh tế, chính sách thu, nhằm đảm bảo tính khoa học và khả thi.

- Giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các địa phương đảm bảo sát tình hình thực tế, có cơ chế khuyến khích các địa phương thu ngân sách vượt chỉ tiêu, đồng thời có biện pháp phù hợp đối với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách tỉnh giao.

- Bên cạnh tăng thu cho ngân sách nhà nước, cần thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm chi ngân sách nhà nước ở mức tối đa. Bên cạnh đó, chủ động bố trí ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên đầu tư, thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo; tăng cường chi cho giáo dục đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, sự nghiệp bảo vệ môi trường tiếp tục được đảm bảo; đồng thời tăng cường quản lý quỹ ngân sách nhà nước, kiểm soát, thanh toán các khoản chi; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quy chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công và cơ quan hành chính nhà nước... Rà soát toàn bộ các khoản vay theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Ưu tiên dành nguồn để bố trí trả nợ vay chính quyền địa phương khi đến hạn; rà soát lại các Quỹ ngoài ngân sách để sắp xếp, sáp nhập theo đúng quy định.

c) Quản lý điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả:

- Các cấp ngân sách địa phương, cơ quan, đơn vị dự toán tăng cường trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách hiệu quả và cân đối các nhiệm vụ được giao. Điều hành ngân sách theo dự toán được giao, hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán.

- Thực hiện thu, chi trong phạm vi dự toán; vay nợ, giải ngân trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn. Tăng cường kiểm soát chi ngân sách theo hướng phù hợp với khả năng thu và trả nợ. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách Nhà nước và nợ công.

- Các cấp ngân sách tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý các nguồn tăng thu, nguồn kết dư ngân sách. Có phương án phân bổ sử dụng để chi cho các nhiệm vụ trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Cơ quan tài chính các cấp kiên quyết không tham mưu việc bổ sung kinh phí cho ngân sách cấp dưới khi nguồn lực ngân sách cấp dưới còn có thể cân đối được nhiệm vụ. Phấn đấu tăng thu ngân sách để tăng chi cho các nhiệm vụ theo quy định, không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách cấp trên.

[...]