Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 5753/KH-UBND năm 2018 triển khai Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 5753/KH-UBND
Ngày ban hành 10/09/2018
Ngày có hiệu lực 10/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5753/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 10 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ NHU CẦU ĐIỆN GIAI ĐOẠN 2018 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08/3/2018 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch Chương trình quản lý nhu cầu điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chương trình DSM tỉnh Lâm Đồng), như sau:

I. Mục tiêu Chương trình DSM tỉnh Lâm Đồng

1. Mục tiêu tổng quát

a) Triển khai hiệu quả Chương trình DSM tỉnh Lâm Đồng là góp phần vào việc duy trì, phát triển, cùng phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia và tạo mới nguồn năng lượng để phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội;

b) Chương trình DSM tỉnh Lâm Đồng nhằm khuyến khích sự tham gia chủ động của khách hàng sử dụng điện, đảm bảo cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện ổn định, bền vững; từng bước kết hợp thực hiện các Chương trình quốc gia về DSM với việc hỗ trợ, khuyến khích người dân, người tiêu dùng tham gia đầu tư trang bị hệ thống năng lượng mặt trời lắp mái.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đảm bảo nguồn năng lượng cung cấp ổn định và phát triển phục vụ tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Lâm Đồng: Giai đoạn 2016 - 2020 là 9%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 là 8,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 là 8 %/năm.

b) Phấn đấu chỉ tiêu điện khí hóa tỉnh Lâm Đồng đảm bảo đến năm 2020 đạt 99,4% số hộ có điện và đến 2025 đạt 99,9% số hộ có điện; đảm bảo nhu cầu sử dụng điện tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng 11,84 %; giai đoạn 2021 - 2025 tăng 10,79%; giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,96% và giai đoạn 2031 - 2035 tăng 8,29%.

c) Xây dựng phương án hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà đến năm 2025 đạt 5 MW, đến năm 2030 đạt 15 MW, trong đó:

- Phát triển dự án điện mặt trời mái nhà tại các công sở khu vực hành chính, nhà điều hành, trạm, kho bãi của ngành điện, khu công nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp, mái nhà trường học;

- Thực hiện thí điểm hỗ trợ kinh phí phát triển các mô hình dự án điện mặt trời mái nhà tại một số trường học có công suất từ 10 kWp đến 15 kWp; hộ gia đình có công suất nhỏ từ 1 kWp đến 5 kWp ở các thôn, buôn, vùng sâu, vùng xa, hộ sinh sống không tập trung khó có khả năng đầu tư điện lưới.

II. Chương trình DSM tỉnh Lâm Đồng

1. Triển khai nhu cầu điện năng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (theo kết quả tính toán nhu cầu công suất các huyện, thành phố tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 với Pmax đạt 772 MW; để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện đến năm 2025, tổng mức đầu tư xây dựng mới và cải tạo lưới điện 3.816,6 tỷ đồng) (Phụ lục 2, 3, 4 đính kèm).

2. Thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội, khách hàng sử dụng điện và đơn vị điện lực về nội dung Chương trình DSM tỉnh Lâm Đồng.

3. Phối hợp và thực hiện lồng ghép với các Chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam và định hướng phát triển các dạng nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng Chương trình DSM tỉnh Lâm Đồng đạt hiệu quả cao nhất.

4. Tổ chức phối hợp xây dựng tài liệu đào tạo về nội dung và lợi ích của Chương trình DSM tỉnh Lâm Đồng để các trường học tham khảo đưa vào chương trình giải dạy phù hợp với cấp độ đào tạo học sinh, sinh viên.

5. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển dự án điện mặt trời mái nhà tại những vị trí có tiềm năng, cụ thể như sau:

a) Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng: 01 MW - 2 MW;

b) Trung tâm hành chính các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc có tiềm năng: 01 MW-2MW;

c) Khu vực hành chính, nhà điều hành, trạm, kho bãi của Truyền tải điện Lâm Đồng, Chi nhánh điện cao thế Lâm Đồng có tiềm năng: 0,5 MW - 01 MW;

d) Khu vực hành chính, nhà điều hành, kho bãi của Công ty Điện lực Lâm Đồng, Điện lực các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc có tiềm năng: 0,5 MW-2MW

6. Đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà có công suất nhỏ từ 1 kWp đến 5 kWp đối với những hộ dân chưa có điện tại các thôn, buôn, vùng sâu, vùng xa và những khu vực khó có khả năng xây dựng hệ thống điện do ngành điện đầu tư.

7. Định hướng phát triển lắp dự án điện mặt trời mái nhà tại một số trường học có công suất từ 10 kWp đến 15 kWp trên một mô hình.

8. Thí điểm lắp đặt 05 đến 10 mô hình dự án điện mặt trời mái nhà công sở thuộc Trung tâm hành chính các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; các đơn vị ngành điện; trường học...

9. Định hướng quá trình đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thực hiện các Chương trình DSM, Chương trình DR (Chương trình điều chỉnh phụ tải điện), đặc biệt là hệ thống hạ tầng đo đếm tiên tiến, hệ thống công tơ đọc và thu thập số liệu đo đếm từ xa.

[...]